Theo nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu, tại điều 27 đã quy định rất rõ: “Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày với trường hợp giảm giá”. Nghĩa là doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước phải đợi tối thiểu 10 ngày sau đợt điều chỉnh giá trước đây mới được phép tính toán cho việc điều chỉnh tiếp. Tuy nhiên ngày 5-12, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ra văn bản cho phép tăng xả quỹ bình ổn, giữ giá, trong khi đợt điều chỉnh giá liền kề trước mới là từ ngày 26-11. Nếu tính đến ngày 5-12 mới được chín ngày, vậy tại sao Bộ Tài chính đã có quyết định điều chỉnh gấp như vậy?
Thực tế ngày 4-12 nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó có cả Tập đoàn Xăng dầu VN, đã có văn bản gửi đến Bộ Tài chính nêu giá thế giới tăng, đề nghị có biện pháp điều hành. Tính bình quân 30 ngày (từ ngày 4-11-2013 đến 3-12-2013), Bộ Tài chính cho rằng giá xăng dầu thế giới tăng khiến các doanh nghiệp lỗ 467-968 đồng/lít nên bộ nhanh chóng có quyết định.
Trả lời câu hỏi về việc đúng sai và trách nhiệm của Bộ Công thương ra sao khi quyết định điều hành giá xăng dầu lần này có dấu hiệu vi phạm nghị định 84/2009, một quan chức Bộ Công thương cho biết không phản đối lập luận của phóng viên, tuy nhiên cũng không có bình luận.
Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Truyền - cục phó Cục Quản lý giá - cho biết Bộ Tài chính đã tính đủ 10 ngày. Tuy nhiên, khi phóng viên khẳng định giá Platt’s Singapore đến 18g hằng ngày mới đóng cửa và chốt giá, vậy Bộ Tài chính lấy giá của ngày 5-12 từ nguồn nào để tính toán, ông Truyền sau đó thừa nhận: theo quy định, nếu điều hành tăng giá thì đúng là chưa được (phải đợi đến hết ngày 5-12 mới đủ 10 ngày - PV). Tuy nhiên, lần này Bộ Tài chính không điều hành tăng giá mà yêu cầu giữ giá, chỉ tăng mức xả quỹ... “Đợt này chúng tôi chỉ điều hành giữ ổn định giá thôi” - ông Truyền nói...
Tuy nhiên dù không tăng giá theo lý giải của ông Truyền nhưng với cách điều hành trên, người tiêu dùng vẫn thiệt và doanh nghiệp rất có lợi. PGS.TS Ngô Trí Long cũng đồng tình cho rằng không chỉ tăng giá sớm hơn quy định mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà ngay việc giúp doanh nghiệp trích quỹ bình ổn xăng dầu sớm hơn trong điều hành ngày 5-12 của Bộ Tài chính cũng giúp doanh nghiệp giảm được lỗ. Trong khi đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu là do người tiêu dùng đóng, trích sớm ngày nào quỹ hao nhanh ngày ấy và khi hết quỹ, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tăng giá...
Vậy người tiêu dùng thiệt hại bao nhiêu nếu việc trích quỹ bình ổn sớm hơn một ngày? Thống kê có năm VN tiêu thụ hết khoảng 16 triệu tấn xăng dầu. Tính trung bình ba năm trở lại đây, mỗi năm VN tiêu thụ hết khoảng 12 triệu tấn. Như vậy, mỗi tháng người VN dùng hết khoảng 1 triệu tấn (mỗi tấn tương đương 1.200 lít). Và theo tính toán của một cựu quan chức từng lâu năm tham gia điều hành giá xăng dầu, với việc Bộ Tài chính cho tăng xả quỹ bình ổn từ 14g ngày 5-12 (100 đồng/lít với xăng, 200 đồng/lít với diesel), mỗi ngày quỹ bình ổn xăng dầu của người tiêu dùng có thể bị hụt tới khoảng 10 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa việc doanh nghiệp được lợi từng ấy tiền, thay vì họ sẽ phải chia sẻ với xã hội, người tiêu dùng.
Nghị định 84/2009 dù đang được soạn nghị định thay thế nhưng vẫn còn hiệu lực. Giá xăng dầu tăng nhanh giảm chậm, tăng sớm, giảm chậm... dư luận đã nêu từ rất lâu. Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng chỉ cần cho tăng giá sớm vài giờ, giảm giá chậm vài giờ, doanh nghiệp đã được lợi rất lớn. Ông Long thông cảm với sức ép từ các doanh nghiệp là rất lớn khi họ đang chịu lỗ, không được bán theo giá thị trường. Tuy nhiên, dù thế nào Bộ Tài chính cũng vẫn phải tuân theo quy định. Với trường hợp cụ thể này chứng minh lo ngại “tăng nhanh giảm chậm” của dư luận không phải không có lý, ông Ngô Trí Long lưu ý thêm ngay cả giá cơ sở cũng cần xem lại để tránh sai sót, chỉ dựa vào báo cáo của doanh nghiệp...
Cầm Văn Kình
Theo Tuổi Trẻ