Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể từ 15/02/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
05/02/2024 16:45 PM

Xin cho tôi hỏi tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quy định thế nào? - Minh Huy (Thanh Hóa)

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể từ 15/02/2024

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể từ 15/02/2024 (Hình từ internet)

Ngày 25/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2023/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống đạt các tiêu chuẩn sau đây:

- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.

- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi vật thể được tôn vinh; có cống hiến lớn được ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương; truyền dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

(Điều 8 Nghị định 93/2023/NĐ-CP)

Nguyên tắc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Căn cứ Điều 4 Nghị định 93/2023/NĐ-CP, nguyên tắc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể bao gồm:

- Thực hiện theo quy định sau đây:

+ Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;

+ Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;

+ Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;

- Không xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho cá nhân đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp về loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ để có thêm các kỹ năng, bí quyết.

- Thời gian cá nhân công tác và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thời gian cá nhân thoát ly hoạt động thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng thì không được tính là thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

- Hội đồng các cấp chỉ được trình cấp trên có thẩm quyền xem xét các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ theo quy định tại Nghị định 93/2023/NĐ-CP.

Thời gian xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xét tặng và công bố 03 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu cho các “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cư trú tại địa phương.

(Điều 5 Nghị định 93/2023/NĐ-CP)

Quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Cá nhân được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Cá nhân có nghĩa vụ giữ gìn hiện vật khen thưởng; không ngừng hoàn thiện tri thức, kỹ năng; tích cực thực hành, truyền dạy và phổ biến tri thức, kỹ năng; tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

(Điều 6 Nghị định 93/2023/NĐ-CP)

Xem thêm tại Nghị định 93/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,997

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]