LS. Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC cho rằng, việc "chuyển địa chỉ" quy định về bảo hiểm thất nghiệp nói trên là phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 đã được thay thế bằng các quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm, vừa được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2013. LS. Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Công ty Luật SMiC cho rằng, việc "chuyển địa chỉ" quy định về bảo hiểm thất nghiệp nói trên là phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
LS. Trịnh Văn Quyết
Luật Việc làm được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2013 đã thay thế các quy định về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Ông đánh giá sao về sự thay đổi này?
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, phần lớn các nước quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp hay bảo hiểm việc làm tại một văn bản luật riêng hoặc quy định trong Luật Việc làm. Ví dụ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đức, Argentina, Mông Cổ.... Chỉ có một số nước quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội như Thái Lan và Mỹ.
Lý do quan trọng nhất, là mục tiêu của bảo hiểm thất nghiệp có sự khác biệt so với bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp là bảo hiểm ngắn hạn, nhằm hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm; đồng thời, có hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập của người lao động trong thời gian thất nghiệp.
Mục tiêu ngắn hạn này khác với bảo hiểm xã hội, trong đó trụ cột chính là bảo hiểm hưu trí, là bảo hiểm dài hạn. Mục tiêu chính của báo hiểm xã hội là sự bảo đảm, thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi nghỉ hưu....
Nghiên cứu kỹ, có thể thấy việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật Việc làm không làm thay đổi mô hình tổ chức, không gây xáo trộn về hoạt động quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, cũng như triển khai thực hiện chính sách này.
So với quy định cũ, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm đã được mở rộng. Trong bối cảnh hiện nay, điều này có ý nghĩa gì, thưa ông?
Theo Luật Việc làm thì bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong khi đó, bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên và người sử dụng lao động có sử dụng từ 10 người lao động trở lên.
Tôi nghĩ, việc mở rộng đối tượng người lao động bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đối tượng người lao động. Quy định này có ý nghĩa to lớn, gián tiếp góp phần giảm tình trạng lao động thất nghiệp, giảm bớt khó khăn gánh nặng cho các doanh nghiệp đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế còn khủng hoảng như giai đoạn hiện nay.
Thực tiễn thi hành các quy định trước đây về bảo hiểm thất nghiệp không mấy hiệu quả, đặc biệt là quy định về việc hỗ trợ tìm việc làm cho người thất nghiệp. Theo đánh giá của ông, quy định về vấn đề này tại Luật Việc làm có khắc phục được tình trạng này không?
Theo quy định của Luật Việc làm, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm và hỗ trợ người lao động tìm việc làm. Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Tuy nhiên, đây là những quy định không mới và đã được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, việc Luật Việc làm có khắc phục và cải thiện tình trạng hiện nay hay không, theo tôi, phụ thuộc phần lớn vào việc thực hiện và triển khai luật này.
Trên thực tế, cũng đã diễn ra nhiều trường hợp người lao động lợi dụng quy định về bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi từ quỹ này hoặc cán bộ công nhân viên chịu trách nhiệm kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gây khó dễ cho người lao động.
Hiện nay, Luật Việc làm đã được thông qua nhưng phải đến năm 2015 mới bắt đầu có hiệu lực. Do đó, theo tôi, để đánh giá hiệu quả thi hành luật này thì cần thêm một thời gian nữa.
Theo tôi, để đẩy mạnh và phát huy hiệu quả của Luật Việc làm, trong thời gian tới cần thực hiện nghiêm túc một số vấn đề sau.
Thứ nhất, cần triển khai xây dựng ngay các nghị định và thông tư hướng dẫn để có thể thực thi ngay luật này khi luật có hiệu lực thi hành.
Thứ hai, cần thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Việc làm đến người lao động và người sử dụng lao động trên cả nước để người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, tránh trường hợp để đến khi vi phạm mới xử phạt vi phạm thì vừa không hiệu quả, vừa không đảm bảo sự minh bạch trong triển khai thi hành pháp luật.
Thứ ba, cần chuẩn bị dần để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt việc giám sát thực thi quy định của luật này, đặc biệt là khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh phát sinh tiêu cực.
Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm trong Luật Việc làm được nhiều ý kiến đánh giá là một trong những quy định mang tính nhân văn cao. Ông có thể đánh giá kỹ hơn về chính sách này?
Từ góc nhìn của tôi, Luật Việc làm đã thể hiện tính nhân văn ở quy định Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm. Đối tượng được vay vốn từ quỹ này chỉ bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; người lao động.
Quy định này đã hướng tới đúng đối tượng cần được sự trợ giúp, ưu đãi về vốn; khuyến khích các cá nhân có thể tự tạo việc làm cho mình và các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất tạo thêm nhiều việc làm.
Đồng thời, có thể thấy các quy định về điều kiện vay vốn là khá đơn giản, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu vay vốn.
Tuy nhiên, để chính sách tín dụng ưu đãi thực sự phát huy được tác động tích cực nói trên, theo tôi cần có quy định cụ thể, hướng dẫn thêm của Chính phủ về mức vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay, trình tự, thủ tục vay vốn và điều kiện bảo đảm tiền vay.
"Dịch vụ việc làm" là một thuật ngữ mới xuất hiện tại Luật Việc làm. Theo đánh giá của ông, quy định này có ý nghĩa thế nào đối với thị trường lao động?
Thực chất, đây không phải là một thuật ngữ mới. Quy định về tổ chức dịch vụ việc làm đã được quy định tại điều 14 Bộ luật Lao động 2012.
Tuy nhiên, trong Luật Việc làm, quy định về "dịch vụ việc làm" được làm rõ hơn, bao gồm: tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động.
Theo tôi, các quy định này sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thị trường lao động Việt Nam hiện nay.
Đó chính là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo điều kiện giúp người lao động được làm những công việc phù hợp với nguyện vọng và trình độ của mình, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống bản thân và gia đình, góp phần giúp xã hội phát triển lành mạnh.
Luật Việc Làm quy định hai hình thức tổ chức dịch vụ việc làm, bao gồm: rrung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Trung tâm dịch vụ việc làm là tổ chức dịch vụ công về việc làm, là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động.
Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thu phí đối với các hoạt động dịch vụ việc làm và là một ngành kinh doanh có điều kiện, phải được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.
Theo Đầu tư Chứng khoán