VNPost – Từ “gánh nặng” trở thành điểm sáng đổi mới

16/12/2013 09:37 AM

Một năm trước, tháng 11/2012 là thời điểm Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tách khỏi Tập đoàn VNPT và chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT.

Lúc đó, nhiều người nhận định sự kiện này giống như việc VNPT trút bỏ được một gánh nặng bao cấp. Nhưng 1 năm sau, “gánh nặng” ấy đã có những thành quả phát triển đầy ấn tượng, gặt hái nhiều thành quả nhờ cải tổ bộ máy hoạt động.

Gọi là “gánh nặng”, bởi đó là nơi hơn 4 vạn cán bộ công nhân viên bưu chính chủ yếu cung cấp các dịch vụ bưu chính và nhiệm vụ công ích, không mang lại nhiều lợi nhuận, nên VNPT luôn phải bù lỗ hàng trăm tỷ mỗi năm. Vào thời điểm tách khỏi tập đoàn VNPT, mảng bưu chính giống như con tàu sắp chìm, buộc phải “cắt dây” để tránh làm tàu khác chìm theo. Thậm chí, những người trong cuộc còn xì xào bàn tán về một làn sóng “tháo chạy” khỏi con tàu sắp chìm đó.

Nhưng sau một năm tách khỏi VNPT để “tự bơi”, vật lộn với cải tổ bộ máy, triển khai hoạt động theo mô hình tổ chức mới trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã có những kết quả kinh doanh khả quan khiến nhiều người phải ngạc nhiên, vì không những không bị “chìm”, mà VNPost còn “tự bơi” khá ổn.

Tự thân vận động

Tách ra khỏi VNPT từ ngày 1/1/2013 để hoạt động hoàn toàn độc lập, trở thành đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, có thể nói 2013 là năm “thử lửa” của VNPost, là năm bản lề quan trọng bởi có rất nhiều khó khăn. Trước tiên là trợ cấp nhà nước đối với dịch vụ bưu chính giảm dần, phải triển khai hoạt động theo mô hình tổ chức mới, kiện toàn bộ máy, ổn định, duy trì mạng lưới, phát triển kinh doanh, quy hoạch các dịch vụ…

Với một bộ máy hơn 42 ngàn cán bộ công nhân viên, quản lý một mạng lưới các điểm phục vụ rộng khắp, trải dài đến tận cấp xã trên cả nước, nhiệm vụ triển khai theo mô hình tổ chức mới, duy trì và cải tổ để phát triển là khối lượng công việc khổng lồ, không dễ thay đổi vì đã vận hành hàng chục năm theo cách thức cũ.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Tổng công ty Bưu điện VN hôm 13/12 vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNPost đã công bố những kế quả khiến nhiều người ngạc nhiên: “Trong năm 2013 vừa qua, doanh thu của VNPost tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu phát sinh năm 2013 đạt 8.035,7 tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch đặt ra. Chênh lệch thu chi không bao gồm trợ cấp công ích giảm nhanh. Nếu như năm 2008, doanh nghiệp âm 1086 tỷ đồng thì đến năm 2013 chỉ còn âm 262,7 tỷ đồng.”

“Nếu tính cả trợ cấp công ích năm 2013, VNPost đạt lợi nhuận 67,3 tỷ đồng, bằng 102,1% kế hoạch năm 2013, tăng 23,1% so với năm 2012. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 0,5%.Trong năm qua, VNPost cũng đã nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước lên tới 330 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết.

Thành quả từ cải tổ bộ máy

Một trong những điểm nhấn nổi bật về cải tổ bộ máy vận hành của VNPost trong năm 2013 chính là thành quả từ mô hình chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) qua mạng lưới hệ thống điểm dịch vụ bưu điện.

Với phạm vi thí điểm ban đầu chỉ ở 4 tỉnh thành vào tháng 9/2011, đến tháng 4 năm 2012 tăng thêm 8 tỉnh triển khai. Đến cuối năm 2012, vào thời điểm chuẩn bị chia tách khỏi tập đoàn VNPT, ông Phạm Anh Tuấn (khi đó mới là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam) đã cho biết: “Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm, đánh giá những mặt lợi ích về kinh tế - xã hội, Tổng công ty Bưu chính VN và BHXH Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành trung ương đồng ý cho phép triển khai chính thức công tác quản lý người hưởng và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua Bưu điện trên phạm vi toàn quốc”.

Từ kết quả triển khai từ các tỉnh thí điểm trong năm 2012 và đầu năm 2013 cho thấy người dân rất hài lòng với hình thức chi trả lương hưu và BHXH mới. Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXT qua hệ thống Bưu điện đã được thực hiện một cách chuyên nghiệp, đồng loạt, nhanh chóng, chính xác, linh hoạt và ít rủi ro. Việc vận chuyển tiền đã được kết hợp với xe ô tô chở bưu phẩm, nhân viên chi trả lương hưu và BHXH không còn phải tự chở bằng xe máy để đi trả như trước đây.

Với những thành quả đó, ngày 17/4/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đồng ý để BHXH Việt Nam mở rộng chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống Bưu điện trên phạm vi toàn quốc. Đến ngày 1/10/2013 cả nước đã triển khai chủ trương này theo nguyên tắc tổ chức các điểm chi trả đến tận các xã, phường thị trấn (riêng Hà Nội và TP.HCM triển khai sau theo phương án tổ chức riêng do BHXH và VNPost thống nhất).

Nhờ đó, toàn bộ hệ thống bưu điện phủ khắp toàn quốc tới tận cấp xã đã được cải tổ về chức năng, đảm nhiệm thêm nhiệm vụ chi trả lương hưu và BHXH, khai thác được thế mạnh vươn tới mọi vùng sâu vùng xa của mạng lưới bưu chính.

Hệ thống gần 8100 điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) của ngành Bưu chính viễn thông từng rất hiệu quả trong việc phổ cập thông tin văn hóa, báo chí, thông tin liên lạc tới vùng sâu vùng xa, nhưng đã trở nên lạc hậu trong những năm gần đây khi Internet và điện thoại di động trở nên phổ biến. Sau khi tách khỏi tập đoàn VNPT, mạng lưới của VNPost bao gồm cả gần 8100 điểm BĐVHX này.

Để tiếp tục đổi mới mô hình hoạt động, trong 6 tháng cuối năm 2013, một trong những giải pháp trọng tâm sẽ được VietnamPost thực hiện là triển khai thí điểm mô hình kinh doanh mới tại điểm BĐVHX. Tại cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm của VNPost, ông Phạm Anh Tuấn đã chia sẻ: “Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ các điểm BĐVHX, tới đây khi mô hình kinh doanh mới tại điểm BĐVHX được triển khai sẽ góp phần giúp VietnamPost chiếm lĩnh được thị trường khu vực nông thôn, huyện xã”.

Giải pháp mang tính tư duy chiến lược này chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho VNPost, bởi thị trường nông thôn chiếm tỉ lệ dân số trên 70% tại Việt Nam và vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác.

Thách thức, khó khăn vẫn ở phía trước

Năm 2014 tiếp tục sẽ là một năm khó khăn đối với VNPost khi đây là năm đầu tiên Tổng công ty phải hoạt động mà không có trợ cấp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích của nhà nước. VNPost sẽ  phải phát triển kinh doanh để bù đắp hoạt động công ích, duy trì mạng bưu chính công cộng và cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo tiêu chuẩn kỹ thuật và giá cước của nhà nước.

“Hoạt động trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu sử dụng các dịch vụ bưu chính truyền thống ngày càng giảm, môi trường cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng tiêu cực tới từ nguy cơ tăng chi phí đầu vào, … là những thách thức đang đặt ra với VNPost trong năm 2014”, ông Phạm Anh Tuấn phân tích.

Bên cạnh đó, những tồn tại và hạn chế của năm 2013 trong việc xây dựng kế hoạch, đánh giá hết tiềm năng thị trường, việc phát triển khai thác kinh doanh, tiếp thị dịch vụ cũng như phát triển dịch vụ mới và ứng dụng công nghệ thông tin… cũng là những khó khăn mà VNPost sẽ phải đối mặt trong năm 2014.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, “Năm 2013 là năm đầy thách thức đối với Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo và công nhân viên chức người lao động của VNPost đã nỗ lực để chứng minh tổng công ty có thể đứng vững với ngành nghề của mình”... “Kết quả có được ngày hôm nay chủ yếu là nhờ vào tinh thần vượt qua khó khăn, cố gắng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên VNPost”.

Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng hơn 4 vạn cán bộ công nhân viên của VNPost và ngành Bưu điện Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào một tương lai phát triển khởi sắc, gặt hái nhiều thành công nhờ sự nỗ lực hết mình của họ và tư duy mạnh dạn cải tổ, đổi mới mô hình kinh doanh từ thế hệ lãnh đạo trẻ tâm huyết và năng động.

Đại Phong - Lê Văn

Theo Vietnamnet

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,224

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]