Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Bởi theo Chủ tịch, ngay trong Quốc hội vẫn có đại biểu có ý kiến khác về một số điều khoản, và Quốc hội vẫn trân trọng ghi nhận.
Cũng trong sáng 24/12, cần ưu tiên sửa các luật có nội dung trái với Hiến pháp là đề nghị được nhiều ý kiến nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trình bày kế hoạch này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, so với Hiến pháp hiện hành, bản Hiến pháp vừa được thông qua - có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 - có nhiều thay đổi về nội dung và có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước.
Theo đó, đứng đầu thứ tự ưu tiên trong rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp là các văn bản để các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp như việc Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các tòa án khác; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương …
Việc rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như Luật Báo chí, luật về hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình... dự kiến được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 - 2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần ưu tiên trước nhất là không để Hiến pháp có hiệu lực mà không thể triển khai. Cũng theo ông, từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 công tác lập pháp cần ưu tiên cho tái cơ cấu nền kinh tế để kinh tế phát triển bền vững. Đồng thời cũng dành thời gian cho các dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu, kể từ ngày 1/1/2014 những gì Hiến pháp đã quy định thì phải thi hành. Ông Hiện cũng cho rằng việc sửa những quy định của pháp luật hiện hành trái quy định của Hiến pháp phải được coi là ưu tiên số 1, cực kỳ quan trọng, không làm không được.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu, việc để luật có quy định trái Hiến pháp là cấm kỵ, cần ưu tiên hàng đầu để sửa. Ưu tiên thứ hai là các dự án luật liên quan đến quyền cơ bản và nghĩa vụ của công dân của tổ chức đã được hiến định.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đồng ý với ưu tiên của Chủ nhiệm Hiện về sửa ngay các quy định của pháp luật hiện hành trái quy định của Hiến pháp. Riêng với thiết chế Chủ tịch nước, theo Phó chủ tịch không chỉ các nội dung mới mà ngay với hiến định thống lĩnh các lực lượng vũ trang cũng cần làm rõ mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cá nhân, cơ quan liên quan.
Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Nguyễn Văn Pha góp ý, việc triển khai thực hiện phải làm sao đừng để một người dân phải đi nghe quá nhiều cuộc tuyên truyền về Hiến pháp, tránh hình thức làm mất thời gian của dân.
Nguyễn Lê
Theo VnEconomy