Người lao động trong thời gian thử việc cần nắm rõ những quy định gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
28/03/2024 15:00 PM

Sắp tới tôi sẽ đi làm ở công ty với vai trò thử việc, cho tôi hỏi tôi cần phải lưu ý những điều Luật nào trước khi đi làm? – Hùng Cường (Bình Định)

 

Người lao động trong thời gian thử việc cần nắm rõ những quy định gì?

Người lao động trong thời gian thử việc cần nắm rõ những quy định gì? (Hình từ internet)

Người lao động trong thời gian thử việc cần nắm rõ những quy định gì?

Theo quy định từ Điều 24 đến Điều 27 của Bộ Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc trực tiếp trong hợp đồng lao động (nhưng không được áp dụng với loại hợp đồng có thời hạn dưới 1  tháng) hoặc thông qua một loại hợp đồng riêng gọi là hợp đồng thử việc.

Nội dung mà một hợp đồng thử việc cần có, bao gồm:

- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

- Công việc và địa điểm làm việc;

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

Về thời gian thử việc

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của công việc, thời gian thử việc sẽ được giới hạn như sau:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Tiền lương thử việc: Do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Kết thúc thời gian thử việc

Sau khi kết thúc thời gian thử việc được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

- Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

- Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Lưu ý: Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Quy định về tiền lương

- Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

(Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019)

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay:

Theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định như sau:

- Vùng I:  Tối thiểu 4.680.000 đồng/1 tháng và 22.500 đồng/1 giờ

- Vùng II: Tối  thiểu 4.160.000 đồng/1 tháng và 20.000 đồng/1 giờ

- Vùng III: Tối thiểu 3.640.000 đồng/1 tháng và 17.500 đồng/1 giờ

- Vùng IV: Tối thiểu 3.250.000 đồng/1 tháng và 15.600 đồng/1 giờ

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,405

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]