Đề xuất sửa đổi ngạch, bậc của Thẩm phán Tòa án nhân dân (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Toà án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Căn cứ theo Điều 91 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, bổ sung Điều 66 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 quy định về ngạch, bậc thẩm phán như sau:
- Ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm:
+ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
+ Thẩm phán.
- Bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm:
+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giữ bậc cao nhất trong ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
+ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm 02 bậc, từ bậc 01 đến bậc 02;
+ Thẩm phán gồm có 09 bậc, từ bậc 01 đến bậc 09.
Hiện hành, tại Điều 66 Luật tổ chức Toà án nhân dân 2014 quy định về các ngạch thẩm phán như sau: (1) Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm: (1.1) Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; (1.2) Thẩm phán cao cấp; (1.3) Thẩm phán trung cấp; (1.4) Thẩm phán sơ cấp. (2) Tòa án nhân dân tối cao có Thẩm phán quy định tại (1.1). (3) Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương có Thẩm phán quy định tại (1.2). (4) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương có Thẩm phán quy định tại (1.2), (1.3) và (1.4). (5) Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự khu vực có Thẩm phán quy định tại (1.3) và (1.4). (6) Số lượng Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp và tỷ lệ các ngạch Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. |
Đồng thời tại Điều 92 dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi đề xuất quy định về bổ nhiệm, nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau:
- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Việc bổ nhiệm Thẩm phán lần đầu phải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia. Việc xét nâng bậc Thẩm phán do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.
- Việc nâng bậc Thẩm phán căn cứ vào phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, kết quả công việc và thời gian giữ bậc của họ.
+ Kết quả công việc được xác định theo chất lượng và số lượng vụ việc tham gia giải quyết của Thẩm phán trong thời gian giữ bậc. Số lượng vụ việc tham gia giải quyết của Thẩm phán ở các cấp Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định;
+ Thời gian giữ bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
+ Thẩm phán được khen thưởng do có công trạng hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc có thể được xem xét nâng bậc trước thời hạn theo quy định của pháp luật.
- Số lượng Thẩm phán, bậc Thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.
Xem thêm dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi.
Tô Quốc Trình