Sẽ sửa đổi chế độ tiền lương cho cán bộ y tế ở vùng khó khăn (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Ngày 08/4/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 869/QĐ-BYT phê duyệt “Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030, định hướng 2050”.
Nhằm tăng cường đào tạo nhân lực y tế cho một số chuyên ngành kém thu hút và vùng khó khăn, Bộ Y tế đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Tăng thêm cơ sở đào tạo nhân lực y tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; khuyến khích mô hình liên kết cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành tại địa phương.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, miễn, giảm học phí để khuyến khích người theo học các ngành khó thu hút và khuyến khích nhân lực y tế làm việc ở vùng khó khăn. Tiếp tục thực hiện cơ chế đào tạo cử tuyển, đào tạo theo đặt hàng, đào tạo liên thông đối với một số ngành trình độ cao đẳng, đại học để đảm bảo đủ số lượng nhân lực y tế và tạo nguồn cho đào tạo sau đại học các chuyên ngành khó thu hút, như Lao, Phong, Truyền nhiễm, Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức cấp cứu, Dân số, Y học cổ truyền, Y học dự phòng.
- Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích học sinh, sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành khó thu hút sau khi tốt nghiệp trở về địa phương. Các địa phương xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút nhân lực y tế đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, chuyên khoa sau đại học làm việc tại các vùng khó khăn, trong đó có chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ chỗ ở, đi lại, hỗ trợ hợp lý hóa gia đình...
- Sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề để thu hút cán bộ y tế làm việc tại các chuyên ngành khó thu hút ở vùng khó khăn.
- Nâng cao hiệu quả chương trình quân dân y kết hợp; hệ thống đào tạo nhân lực quân y tham gia đào tạo nhân lực y tế; phát triển mô hình đào tạo theo địa chỉ nhằm đảm bảo nhân lực y tế cho các vùng biên giới, hải đảo.
Trong việc xây dựng chiến lược, chính sách và các văn bản pháp luật, “Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 – 2030, định hướng 2050” đã đưa các nội dung như sau:
- Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các chức danh nghề nghiệp, chuẩn đầu ra, chuẩn năng lực nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế làm cơ sở để đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế sau đào tạo và để đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Hoàn thiện thể chế và các quy định của pháp luật liên quan đến đào tạo chuyên sâu đặc thù nhân lực y tế nhằm đổi mới đào tạo nhân lực y tế, chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp với Khung trình độ Quốc gia và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nhân lực y tế.
- Hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khỏe, xây dựng và ban hành danh mục đào tạo chuyên khoa.
Xem thêm tại Quyết định 869/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 08/4/2024.