Đề xuất 11 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Tòa án nhân dân tối cao đã công bố Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 05/2024 để lấy ý kiến và sẽ thông qua tại Kỳ họp thư 8 vào tháng 10/2024.
Xử lý chuyển hướng là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý người chưa thành niên phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội.
Cụ thể, sẽ có 11 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm:
(1) Khiển trách;
(2) Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại.
(3) Xin lỗi người bị hại;
(4) Bồi thường thiệt hại;
(5) Tham gia chương trình học tập, dạy nghề;
(6) Tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc;
(7) Lao động công ích;
(8) Cấm tiếp xúc;
(9) Cấm đến một địa điểm nhất định
(10) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
(11) Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Lưu ý: Người chưa thành niên phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng đã nêu ở trên.
Trường hợp người chưa thành niên được áp dụng nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng khác nhau nhưng cùng thực hiện nghĩa vụ giống nhau thì tổng thời gian thực hiện nghĩa vụ không vượt quá thời hạn dài nhất của điều luật tương ứng quy định về nghĩa vụ này.
(Khoản 5 Điều 4 và Điều 27 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên)
**Đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017);
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017);
- Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
(Điều 28 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên)
**Điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp nêu trên được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có chứng cứ người chưa thành niên đã thực hiện hành vi phạm tội;
- Người chưa thành niên tự nguyện thừa nhận hành vi phạm tội;
- Người chưa thành niên đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
(Điều 29 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên)
Mục đích xử lý chuyển hướng đối người chưa thành niên phạm tội Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội nhằm mục đích: - Đưa ra biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên. - Giúp người chưa thành niên tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. - Khuyến khích người chưa thành niên nhận biết và sửa chữa sai lầm đã gây ra cho nạn nhân và cho cộng đồng. - Đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và nạn nhân hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng do hành vi vi phạm của người chưa thành niên. - Cho phép nạn nhân tham gia vào việc đưa ra quyết định. - Khuyến khích cha mẹ người chưa thành niên, gia đình và những thành viên cộng đồng tham gia trực tiếp vào việc giúp người chưa thành niên tự chịu trách nhiệm, giúp đỡ nạn nhân và tạo cơ hội cho người chưa thành niên sửa chữa sai lầm của họ. - Tránh sự kỳ thị và những tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. - Ngăn ngừa người chưa thành niên phạm tội lại, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội. |