Khi nào Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Cụ thể, Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại trong các trường hợp:
- Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản án sơ thẩm;
- Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Lưu ý: Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.
Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
(Khoản 1, 3 và 5 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Được biết, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ có các quyền sau đây đối với bản án sơ thẩm - Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; - Sửa bản án sơ thẩm; - Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; - Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; - Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm. (Khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) |
Thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm được quy định như sau:
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
- Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.
(Điều 344 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Cụ thể tại Điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm như sau:
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
- Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.
- Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.