Theo đó, phân loại đối tượng trong nghị định không rõ nên dẫn tới cơ chế, quy chuẩn xác lập cho từng nhóm đối tượng khi tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thiếu sự tương thích, phù hợp, có biểu hiện vừa “quá lạm” vừa “bất cập”.
Điển hình là các quy định tại điều 23 và điều 24 của Nghị định số 145: về trang phục "không dùng phù hiệu, "nơ", hoa cài ngực…"; hoặc tại điều 24 quy định về biểu diễn nghệ thuật, tặng quà, chiêu đãi có ý "thời gian biểu diễn không quá 30 phút và được ghi rõ trong giấy mời"; "không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo); không tổ chức chiêu đãi". “Những quy định này có thể phù hợp với nhóm đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước.
Còn đối với nhóm đối tượng theo kênh xã hội, tự quản (tự chủ về kinh tế, kinh phí), theo chúng tôi, một số điều hạn chế, không cho thực hiện như trong nghị định là "quá lạm"”, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng nêu quan điểm.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật còn nêu: Nghị định 145 bên cạnh thiếu chế tài, thiếu tính khả thi, còn có việc sử dụng câu chữ, ngôn ngữ chưa “đạt chuẩn”. Tại điều 27 về trình tự tiến hành lễ kỷ niệm quy định khi trình bày diễn văn hoặc báo cáo “chỉ kính thưa họ tên và chức danh” lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở trung ương và ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị”.
“Chúng tôi thấy nội dung này rất tối nghĩa, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Người thực thi hoàn toàn không minh định được tại lễ kỷ niệm chỉ kính thưa một người hay kính thưa nhiều người. Cụm từ "ở trung ương và ban, bộ, ngành" vừa sai ngữ nghĩa vừa không chuẩn về chính tả” - văn bản do ông Sơn ký nêu rõ.
Thái Sơn
Theo Thanh niên online