Ba hộ thoát nghèo thì một hộ... tái nghèo

13/02/2014 15:40 PM

Trung bình cứ 3 hộ thoát nghèo thì có khoảng một hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Đây là thông tin vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tái nghèo lên tới 25 - 30% so với hộ thoát nghèo, theo bộ này, là do thiên tai, bão lũ, hộ có người bị bệnh nặng, thiếu lao động, đông con… Bên cạnh đó còn là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến tái nghèo.

Vẫn liên quan đến bức tranh chung về thực hiện chính sách giảm nghèo, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề cập khá nhiều con số đáng chú ý khác.

Như, đến 31/12/2012 đã ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp thực hiện tuyển chọn đào tạo cho 9.518 lao động huyện nghèo đi làm việc tại các thị trường Malaysia, Lybia, UEA, Đài Loan, Arab Saudi, Macao. Trong đó lao động không nghề chiếm trên 90%. Bên cạnh đó gần 200 lao động huyện nghèo được chọn đi làm việc tại Hàn Quốc, 93 lao động sang làm việc tại Nhật Bản.

Theo đánh giá của Bộ, người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm và thu nhập ổn định. Trung bình khoảng 6,5 – 7,5 triệu đồng/tháng ở các thị trường Lybia, UAE, Ả rập Xê út và Macao, từ 5 – 7 triệu đồng/tháng ở thị trường Malaysia và 15 – 22 triệu đồng/tháng ở Hàn Quốc và Nhật bản.

Nhóm người nghèo đơn thân nuôi con cũng được quan tâm với 112.000 người đang được trợ cấp hàng tháng, vẫn theo báo cáo của Bộ - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo giảm nghèo Trung ương.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trên cả nước là thông tin được lặp lại ở nhiều báo cáo của Chính phủ và các bộ ngành. Tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu vào cuối năm 2013, Thủ tướng cho biết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 còn 9,6% cuối năm 2012 và dự kiến còn 7,8% vào cuối  năm 2013. Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo luôn là con số chứa đựng không ít băn khoăn của nhiều vị đại diện cho dân. Nhất là khi tình hình chung là kinh tế thì khó khăn, tạo việc làm không đạt chỉ tiêu, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động ở mức cao nhưng chỉ tiêu giảm nghèo lại luôn “hoàn thành vượt mức”.

Tại phiên họp vào tháng 5/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một vị quan chức ngành lao động, thương binh và xã hội từng phát biểu rằng “theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.

Song, ở báo cáo đề cập ở đầu bài viết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã nhắc đến khủng hoảng kinh tế như là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghèo.

Báo cáo cũng nêu rõ, tuy đã được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, nhưng do có quá nhiều chính sách, thiếu tập trung nên hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo chưa cao.

Và đây cũng là một trong những nội dung được đoàn giám sát dành nhiều thời gian tìm hiểu, bàn thảo với các địa phương, bộ ngành trong chương trình giám sát.

Tại diễn đàn Quốc hội, 5 năm trước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi qua giám sát thực tế đã tổng kết: hiện có tới 36 chính sách, trong 36 chính sách có 75 hợp phần, 100 văn bản hướng dẫn hỗ trợ người nghèo. Có đến 18 hợp phần nằm trong một chương trình phát triển sản xuất. Vậy, nhưng không có cơ quan nào chủ trì, điều hành, tổng hợp đánh giá đầy đủ về chương trình giảm nghèo.

Bởi thế, dường như không có mấy vị đại biểu của dân tin vào tính xác thực của con số tỷ lệ giảm nghèo. Thậm chí, một số ý kiến đã thẳng thừng bác bỏ và cho rằng trên thực tế tỷ lệ hộ nghèo chắc chắn cao hơn.

Nguyên Hà

Theo VnEconomy

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,387

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]