Đến năm 2050, dự kiến Việt Nam không nhập khẩu than (Hình từ internet)
Nội dung được đề cập tại Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cụ thể, trong định hướng và mục tiêu quy hoạch phân ngành than, liên quan đến thị trường than và công tác xuất, nhập khẩu than có đề cập:
- Định hướng:
Xuất khẩu, nhập khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện. Tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu ổn định dài hạn để phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, trong đó xem xét đến việc dự trữ than.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Về thị trường than: từng bước hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ; hoàn thành việc nghiên cứu chỉ số giá than quốc tế phù hợp cho tham chiếu giá than nhập khẩu về Việt Nam để thí điểm áp dụng và tiếp tục hoàn thiện để triển khai chỉ số giá than trong giao dịch than nhập khẩu phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam, vận hành thị trường than theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
+ Về nhập khẩu than:
++ Giai đoạn 2021 - 2030: dự kiến Việt Nam nhập khẩu than với khối lượng tăng dần và đạt khoảng 73 triệu tấn vào năm 2030, trong đó nhu cầu loại than nhập khẩu của các nhà máy nhiệt điện được thiết kế/quy hoạch sử dụng than nhập khẩu khoảng 44 triệu tấn.
++ Định hướng giai đoạn 2031 - 2050: khối lượng than nhập khẩu dự kiến tiếp tục tăng và đạt đỉnh khoảng 85 triệu tấn vào năm 2035 sau đó giảm dần và còn khoảng 50 triệu tấn vào năm 2045, trong đó nhu cầu loại than nhập khẩu của các nhà máy nhiệt điện được thiết kế/quy hoạch sử dụng than nhập khẩu năm 2035 khoảng 64 triệu tấn và giảm dần còn khoảng 34 triệu tấn vào năm 2045. Đến năm 2050, dự kiến Việt Nam không nhập khẩu than.
+ Về xuất khẩu than:
++ Giai đoạn 2021 - 2030: xuất khẩu loại than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết theo chỉ đạo hàng năm của Thủ tướng Chính phủ, khối lượng than xuất khẩu hằng năm khoảng 2,0 - 3,0 triệu tấn.
++ Định hướng giai đoạn 2031 - 2050: tiếp tục xuất khẩu loại than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2035; sau năm 2035, tăng cường công tác chế biến các loại than chất lượng cao từ than sản xuất trong nước phù hợp nhu cầu thị trường thế giới để xuất khẩu.
**Công tác thăm dò than
- Định hướng:
+ Tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có đảm bảo độ tin cậy phục vụ thiết kế khai thác và đẩy mạnh việc thăm dò các mỏ mới, đảm bảo công tác thăm dò luôn đi trước một bước.
+ Đổi mới và áp dụng công nghệ thăm dò tiên tiến, đặc biệt đối với những khu vực nằm ở độ sâu lớn, điều kiện địa chất phức tạp; tiếp tục tìm kiếm đối tác nghiên cứu đầu tư lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò thích hợp để thăm dò Bể than sông Hồng.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Giai đoạn 2021 - 2030: hoàn thành các đề án thăm dò giai đoạn trước và thực hiện các đề án thăm dò mới với khối lượng khoảng 1.071÷1.328 nghìn mét khoan tại Bể than Đông Bắc, khoảng 102÷131 nghìn mét khoan tại các mỏ than nội địa và mỏ than địa phương. Thực hiện công tác thăm dò trong ranh giới dự kiến khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng.
+ Định hướng giai đoạn 2031 - 2050: hoàn thành các đề án thăm dò giai đoạn trước và thực hiện các đề án thăm dò mới với khối lượng khoảng 773÷943 nghìn mét khoan tại Bể than Đông Bắc, khoảng 7÷10 nghìn mét khoan tại các mỏ than nội địa và mỏ than địa phương; thực hiện các đề án thăm dò tại Bể than sông Hồng.
**Công tác khai thác than
- Định hướng:
+ Tập trung phát triển, duy trì các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, Mỏ hiện đại, Mỏ sản lượng cao, Mỏ an toàn”. Phát triển các mỏ khai thác lộ thiên theo hướng nâng cao hệ số bóc giới hạn, phù hợp với điều kiện kỹ thuật + kinh tế và quy hoạch liên quan; thực hiện công tác đổ thải đất đá theo hướng sử dụng tối đa bãi thải trong.
+ Liên thông các mỏ sản lượng nhỏ có điều kiện địa chất, địa lý, hạ tầng phù hợp thành các mỏ có sản lượng lớn.
+ Phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả; khai thác an toàn, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên than, bao gồm cả phần tài nguyên than tại các khu vực trụ bảo vệ các công trình và phần tài nguyên than tổn thất còn lại sau khi đã kết thúc khai thác hầm lò.
+ Đầu tư một số đề tài/đề án/dự án nghiên cứu khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý.
+ Khuyến khích các địa phương có các điểm than trữ lượng nhỏ đầu tư khai thác để phục vụ nhu cầu tại chỗ; chú trọng công tác khai thác than bùn làm nhiên liệu và phân bón phục vụ nhu cầu của ngành nông, lâm nghiệp.
+ Nghiên cứu khai thác và sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, cải tạo phục hồi môi trường khai thác; nghiên cứu chế biến đất đá thải mỏ để làm vật liệu xây dựng nhằm tăng hiệu quả của công tác khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ.
+ Tăng cường nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác than, nhất là các mỏ than lớn, mỏ than gần khu dân cư, thành thị, ven biển,...
+ Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài để thăm dò, khai thác than (loại than Việt Nam phải nhập khẩu) bảo đảm hiệu quả và phù hợp quy định của pháp luật.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Giai đoạn 2021 - 2030: Phấn đấu sản lượng than nguyên khai toàn ngành (không bao gồm than bùn) khoảng 46 - 53 triệu tấn/năm, tương ứng khoảng 41 - 47 triệu tấn than thương phẩm/năm.
+ Định hướng giai đoạn 2031 - 2050: sản lượng than nguyên khai toàn ngành giảm dần từ 53 triệu tấn vào năm 2030 (tương ứng khoảng 47 triệu tấn than thương phẩm) xuống khoảng 44 triệu tấn vào năm 2045 (tương ứng khoảng 39 triệu tấn than thương phẩm) và khoảng 36 triệu tấn vào năm 2050 (tương ứng khoảng 33 triệu tấn than thương phẩm). Phấn đấu trước năm 2040 đưa vào vận hành thử nghiệm khai thác tại Bể than sông Hồng và tiến tới khai thác quy mô công nghiệp trước năm 2050 (nếu thử nghiệm thành công).
Xem thêm tại Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2023.