Doanh nghiệp cần phải làm gì khi muốn tăng vốn điều lệ?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/05/2024 13:15 PM

Cho tội hỏi, khi muốn tăng vốn điều lệ doanh nghiệp cần thực hiện những việc gì? – Trung Anh (Hải Dương)

 

Doanh nghiệp cần phải làm gì khi muốn tăng vốn điều lệ?

Doanh nghiệp cần phải làm gì khi muốn tăng vốn điều lệ? (Hình từ internet)

Vốn điều lệ là gì?

Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ được định nghĩa là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Tùy vào mô hình của doanh nghiệp mà việc tăng vốn điều lệ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như:

- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

+ Tăng vốn góp của thành viên;

+ Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

(Khoản 1 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020)

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.

(Khoản 2 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020)

- Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cồ phần.

Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:

+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

+ Chào bán cổ phần riêng lẻ;

+ Chào bán cổ phần ra công chúng.

(Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020)

- Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn.

Doanh nghiệp cần phải làm gì khi muốn tăng vốn điều lệ?

Khi có sự gia tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;

- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phần, thì sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần, Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ phải bổ sung vào hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ thêm các giấy tờ sau đây:

- Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần;

- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần.

(Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,300

Bài viết về

Luật Doanh nghiệp 2020

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]