Đề xuất bảo vệ cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người (Hình từ internet)
Căn cứ Điều 5 Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người quy định chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người như sau:
- Phòng, chống mua bán người là nội dung của chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.
- Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.
Hiện hành, Điều 12 Luật Phòng chống mua bán người 2011 chỉ quy định cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người phải thực hiện những điều:
- Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người.
- Kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật Phòng chống mua bán người 2011.
Dựa vào tính cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích, ủng hộ cá nhân đứng lên, bảo vệ, tham phòng ngừa mua bán người, tại Điều 12 Dự thảo Luật có bổ sung quy định cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:
- Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người.
- Kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Dự thảo Luật.
- Được bảo vệ khi tham gia phòng, chống mua bán người theo quy định của pháp luật.
- Được khen thưởng, bảo đảm chế độ, chính sách khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 9 Dự thảo Luật quy định về quản lý về an ninh, trật tự như sau:
- Quản lý thông tin cư trú thông qua công tác, đăng ký quản lý cư trú, quản lý nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn, nắm rõ biến động dân cư có liên quan đến hoạt động mua bán người.
- Quản lý, giám sát các đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người và các đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người.
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, định danh điện tử, các thông tin về tàng thư, căn cước, cư trú, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.
- Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, hải đảo và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên không gian mạng.
- Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.
- Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý và kiểm soát các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của nước có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.
Xem thêm nội dung tại Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người.
Nguyễn Minh Khôi