Nghị định 27/2022 quy định về nội dung gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/05/2024 10:15 AM

Nghị định 27/2022 quy định về nội dung gì? Đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia dựa trên những nội dung gì? – Thùy Dương (Thái Bình)

Nghị định 27/2022 quy định về nội dung gì?

Nghị định 27/2022 quy định về nội dung gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nghị định 27/2022 quy định về nội dung gì?

Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về:

- Lập và giao kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm.

- Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

- Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.

- Cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

- Tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị định 27/2022

- Phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Thực hiện đúng trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, chính quyền địa phương ở các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình.

- Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp; tránh thất thoát, lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

(Điều 4 Nghị định 27/2022/NĐ-CP)

3. Nội dung đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia

(1) Trách nhiệm, trình tự, cách thức thực hiện đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo quy định tại Điều 72 Luật Đầu tư công 2019 và quy định của Chính phủ về giám sát, đánh giá đầu tư.

(2) Nội dung đánh giá hằng năm chương trình mục tiêu quốc gia

- Đánh giá công tác quản lý chương trình trong năm thực hiện gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

- Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

- Mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hằng năm, giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao.

- Tồn tại, vướng mắc phát sinh và nguyên nhân.

- Phương hướng, giải pháp thực hiện năm tiếp theo.

(3) Nội dung đánh giá giữa kỳ chương trình mục tiêu quốc gia

- Đánh giá công tác quản lý chương trình, gồm: Kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

- Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

- Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ gồm: Sự phù hợp của kết quả thực hiện chương trình so với mục tiêu chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức độ hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch giai đoạn 5 năm.

- Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

- Đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình từ thời điểm đánh giá đến năm cuối giai đoạn 5 năm, bao gồm đề xuất điều chỉnh chương trình (nếu có).

(4) Nội dung đánh giá kết thúc và đánh giá tác động chương trình mục tiêu quốc gia

- Đánh giá công tác quản lý chương trình, gồm: Kết quả xây dựng hệ thống chính sách quản lý, tổ chức thực hiện; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện; hoạt động truyền thông, thông tin và theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình; công tác chấp hành chế độ giám sát của cơ quan dân cử.

- Đánh giá kết quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn.

- Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của chương trình so với mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư của chương trình đối với phát triển kinh tế - xã hội; tính bền vững của chương trình; bình đẳng giới; môi trường, sinh thái (nếu có).

- Bài học rút ra sau quá trình thực hiện chương trình và đề xuất khuyến nghị cần thiết để duy trì kết quả đã đạt được của chương trình; các biện pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường (nếu có).

(5) Nội dung đánh giá đột xuất về chương trình mục tiêu quốc gia

- Nội dung quy định tại (1).

- Xác định những phát sinh ngoài dự kiến (nếu có), nguyên nhân phát sinh ngoài dự kiến và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện chương trình, khả năng hoàn thành mục tiêu của chương trình.

(6) Chi phí thực hiện hoạt động đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia của chủ chương trình, chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công được bố trí trong dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm.

(Điều 31 Nghị định 27/2022/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 906

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]