Đề xuất bổ sung quy định về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự án Luật lần này sẽ bổ sung, sửa đổi nhiều quy định so với Luật Quảng cáo hiện hành.
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quảng cáo |
Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo dự kiện sẽ bổ sung quy định về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sau đây mà hiện hành chưa có quy định cụ thể:
- Quảng cáo mỹ phẩm;
- Quảng cáo thực phẩm;
- Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;
- Quảng cáo thiết bị y tế;
- Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo;
- Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
- Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y;
- Quảng cáo thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, giống thủy sản, giống cây trồng, giống vật nuôi;
- Quảng cáo phân bón;
- Quảng cáo thuốc.
Theo đó, nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nêu trên phải tuân thủ các quy định tại Điều 19 Luật Quảng cáo và các yêu cầu sau đây:
(1) Quảng cáo mỹ phẩm
- Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải có các thông tin bắt buộc sau:
+ Tên mỹ phẩm;
+ Tính năng, công dụng của mỹ phẩm. Trường hợp tên mỹ phẩm đã bao gồm các thông tin về tính năng, công dụng thì không phải thể hiện nội dung này trong sản phẩm quảng cáo;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo an toàn trên nhãn sản phẩm.
- Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
- Quảng cáo mỹ phẩm có sử dụng âm thanh phải đọc rõ ràng nội dung tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; các cảnh báo an toàn trên nhãn sản phẩm.
(2) Quảng cáo thực phẩm
(i) Nội dung quảng cáo thực phẩm phải có các thông tin bắt buộc sau: tên thực phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; tên, địa chỉ nhà sản xuất sản phẩm.
Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải có cụm từ: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; thực phẩm bổ sung phải có cụm từ: “Thực phẩm bổ sung”; thực phẩm dinh dưỡng y học phải có cụm từ “Thực phẩm dinh dưỡng y học" và “sử dụng cho người bệnh với sự giám sát của nhân viên y tế”; Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải có cụm từ “Sản phẩm dinh dưỡng (cho đối tượng cụ thể)”.
(ii) Nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực hiện theo quy định tại (i) và các nội dung sau: công dụng của sản phẩm, các cảnh báo sức khoẻ (nếu có); Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền. Quảng cáo có sử dụng âm thanh phải đọc rõ khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; Việc quảng cáo có sử dụng âm thanh với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc khuyến cáo, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong nội dung quảng cáo”
(3) Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế:
- Tên hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;
- Tính năng, công dụng; tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành;
- Khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” hoặc “Hạn chế phạm vi sử dụng đối với các sản phẩm có sử dụng hóa chất”.
(4) Quảng cáo thiết bị y tế:
- Tên trang thiết bị y tế, chủng loại, hãng sản xuất, nước sản xuất;
- Tính năng, tác dụng, hướng dẫn sử dụng, điều kiện bảo quản (nếu có);
- Tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành; cơ sở mua bán hoặc nhập khẩu hoặc chuyển nhượng thiết bị y tế.
(5) Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Quảng cáo phải thực hiện theo quy định tại (i) của (2) và các quy định hiện hành.
Việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
- Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ";
- Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”; phù hợp với quy định về tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ và tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ theo quy định của pháp luật;
(6) Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:
- Tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- Phạm vi hoạt động chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền về y tế phê duyệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
(7) Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y:
- Tên thuốc;
- Tính năng, tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
(8) Quảng cáo thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, giống thủy sản, giống cây trồng, giống vật nuôi:
- Tên chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, giống cây trồng, giống vật nuôi;
- Xuất xứ nguyên liệu trong chế biến;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
(9) Quảng cáo phân bón:
- Tên phân bón, phương thức sử dụng;
- Tính năng, tác dụng và những điều cần lưu ý khi sử dụng, bảo quản;
- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
(10 Nội dung quảng cáo thuốc thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo và pháp luật về dược và y tế.