Đề xuất bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do cấp xã ban hành (Hình từ Internet)
Mới đây, Bộ Tư pháp đã có Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc đề xuất bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do cấp xã ban hành.
Hiện hành, hai văn bản do cấp xã ban hành thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020), cụ thể:
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã.
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Tuy nhiên tại Tờ trình, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giảm các hình thức văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, cụ thể:
- Quy định cụ thể các nội dung Quốc hội ban hành bằng hình thức luật theo hướng luật hóa đến mức tối đa những vấn đề quan trọng của đất nước.
- Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền ban hành nghị định của Chính phủ; bổ sung trường hợp ban hành nghị định của Chính phủ, để thực hiện thí điểm một số chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
- Quy định rõ thẩm quyền ban hành văn bản của HĐND, UBND; tập trung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào cấp tỉnh, đặc biệt là HĐND cấp tỉnh; hạn chế thẩm quyền ban hành của cấp huyện; bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.
Do đó, tại Đề cương chi tiết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngoài việc dự kiến tiếp tục kế thừa quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020), Bộ Tư pháp sẽ bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.
Việc bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã sẽ giúp các chủ thể ban hành văn bản đúng, đảm bảo cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đi đúng hướng ngay từ đầu, qua đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng, ban hành, cũng như nâng cao hiệu quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong cuộc sống, đồng thời tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác thi hành pháp luật.
Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020), các văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm:
- Hiến pháp.
- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.