Đề xuất tiêu chuẩn mới về hệ thống báo cháy bên trong và xung quanh tòa nhà

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
29/05/2024 16:30 PM

Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Hệ thống báo cháy - Phần 14: Thiết kế, lắp đặt vận hành hệ thống báo cháy bên trong và xung quanh các tòa nhà.

Đề xuất tiêu chuẩn mới về hệ thống báo cháy bên trong và xung quanh tòa nhà

 

Đề xuất tiêu chuẩn mới về hệ thống báo cháy bên trong và xung quanh tòa nhà (Hình từ internet)

Đề xuất tiêu chuẩn mới về hệ thống báo cháy bên trong và xung quanh tòa nhà

Dưới đây là một số tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt vận hành hệ thống báo cháy tại các tòa nhà theo Dự thảo trên cụ thể như sau:

*Quy định chung

Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy phải tuân thủ các yêu cầu, quy định của các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.

- Hệ thống báo cháy phải đáp ứng những yêu cầu sau:

+ Phát hiện cháy nhanh chóng theo chức năng đã được đề ra;

+ Chuyển tín hiệu khi phát hiện cháy thành tín hiệu báo động rõ ràng để những người xung quanh có thể thực hiện ngay các biện pháp thích hợp;

+ Có khả năng chống nhiễu tốt;

+ Báo hiệu nhanh chóng và rõ ràng mọi trường hợp sự cố của hệ thống;

+ Không bị ảnh hưởng bởi các hệ thống khác lắp đặt chung hoặc riêng rẽ;

+ Không bị tê liệt một phần hay toàn bộ do cháy gây ra trước khi phát hiện ra cháy.

- Hệ thống báo cháy phải bảo đảm độ tin cậy và thực hiện đầy đủ các chức năng đã được đề ra mà không xảy ra sai sót.

- Những tác động bên ngoài gây ra sự cố cho một bộ phận của hệ thống không được gây ra những sự cố tiếp theo trong hệ thống.

- Hệ thống báo cháy bao gồm các bộ phận cơ bản:

A - Đầu báo cháy

B - Trung tâm báo cháy (Thiết bị kiểm soát và chỉ thị)

C - Thiết bị phát tín hiệu báo cháy

D - Hộp nút ấn báo động cháy bằng tay

E - Thiết bị truyền tín hiệu báo cháy

F - Trạm tiếp nhận tín hiệu báo cháy

G - Thiết bị điều khiển chữa cháy tự động

H - Thiết bị chữa cháy tự động

J - Thiết bị truyền tín hiệu báo lỗi

K - Trạm thu nhận tín hiệu báo lỗi

L - Nguồn cung cấp năng lượng

* Khi lựa chọn loại đầu báo cháy cần lưu ý các vấn đề sau:

Chọn loại đầu báo cháy khói có độ nhạy phù hợp đối với các loại khói khác nhau.

- Sử dụng đầu báo lửa tại những nơi:

+ Khi xảy ra cháy ở giai đoạn ban đầu của đám cháy có xuất hiện ngọn lửa hoặc bề mặt quá nhiệt (thường là trên 600°C);

+ Khi xuất hiện ngọn lửa ở các phòng có chiều cao vượt quá giới hạn cho việc sử dụng đầu báo khói hoặc nhiệt;

+ Khi tốc độ phát triển đám cháy nhanh, thời điểm phát hiện cháy bởi các loại đầu báo cháy khác không bảo đảm yêu cầu bảo vệ người và tài sản.

- Tòa nhà phải được phân chia thành các vùng phát hiện (đám cháy) sao cho có thể xác định được một cách nhanh chóng nguồn gốc của báo động cháy từ các chỉ báo tại trung tâm báo cháy và trên các đầu báo cháy.

- Một vùng đám cháy phải được giới hạn diện tích không lớn hơn 2000 m2 đối với diện tích tiếp giáp trong tòa nhà hoặc 2000 m2 đối với vùng không tiếp giáp trong tòa nhà. Khi không có các lối vào các vùng liền kề cách nhau không lớn hơn 10m và có thể nhìn thấy nhau. Kích thước dài nhất không được vượt quá 100 m và phải được hạn chế trong một tầng nhà. Các vùng không có lối vào từ bên trong tòa nhà phải được chỉ báo như các vùng phát hiện tách biệt khỏi các vùng có lối vào bên trong.

Trung tâm báo cháy

- Trung tâm báo cháy phải có chức năng tự động kiểm tra tín hiệu từ các đầu báo cháy, kênh báo cháy và các thiết bị báo cháy khác truyền về để loại trừ các tín hiệu báo cháy giả. Không được dùng các trung tâm không có chức năng báo cháy làm trung tâm báo cháy tự động.

- Trung tâm báo cháy phải đặt ở những nơi thường xuyên có người trực suốt ngày đêm. Trong trường hợp không có người trực suốt ngày đêm, trung tâm báo cháy phải có chức năng truyền các tín hiệu báo cháy và báo sự cố đến nơi trực cháy hay nơi có người thường trực suốt ngày đêm và phải có biện pháp phòng ngừa người không có nhiệm vụ tiếp xúc với trung tâm báo cháy.

Nơi đặt các trung tâm báo cháy phải có điện thoại liên lạc trực tiếp với đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hay nơi nhận tin báo cháy.

Mức ánh sáng của môi trường xung quanh trong vùng lân cận của trung tâm báo cháy phải sao cho các chỉ báo nhìn có thể nhìn thấy rõ ràng, các thiết bị điều khiển được vận hành dễ dàng và có thể đọc được dễ dàng bất kỳ hướng dẫn.

Nút ấn báo cháy

- Nút ấn báo cháy được lắp bên trong cũng như bên ngoài nhà và công trình, được lắp trên tường và các cấu kiện xây dựng ở độ cao 1,4 m ± 0,2 m tính từ mặt sàn hay mặt đất và có một không gian trống dạng nửa đường tròn bán kính 0,6 m xung quanh mặt trước của nút ấn báo cháy.

- Nút ấn báo cháy phải lắp trên các lối thoát nạn, chiếu nghỉ cầu thang ở vị trí dễ thấy, dễ thao tác (tham khảo Phụ lục B). Trong trường hợp xét thấy cần thiết có thể lắp trong từng phòng. Khoảng cách giữa các nút ấn báo cháy không quá 45 m và khoảng cách từ nút ấn báo cháy đến lối ra của mọi gian phòng không quá 30 m.

- Trường hợp nút ấn báo cháy được lắp ở bên ngoài tòa nhà thì khoảng cách tối đa giữa các nút ấn báo cháy là 150 m và phải có ký hiệu, chỉ thị vị trí rõ ràng. Nút ấn báo cháy lắp ngoài nhà phải là loại chống thấm nước hoặc phải có biện pháp chống mưa hắt cũng như các tác động từ môi trường. Nơi lắp đặt các nút ấn báo cháy phải được chiếu sáng liên tục vào ban đêm.

- Trường hợp tránh tác động ngoài ý muốn đến nút ấn báo cháy tại nhà chung cư, cơ sở giáo dục phải sử dụng nút ấn báo cháy có nắp trong suốt có bàn lề bảo vệ.

Báo động bằng âm thanh và ánh sáng

- Các thiết bị báo cháy bằng âm thanh phải bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Tín hiệu báo động phải phân bố đồng thời trong khoang cháy / nhà và công trình

+ Các tín hiệu báo động, nghe thấy rõ ở tất cả các địa điểm trong khoang cháy / nhà và công trình.

+ Mức cường độ âm ở tất cả các vị trí phải bảo đảm lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 10 dBA và không lớn hơn 105 dBA.

Tín hiệu báo động bằng âm thanh đối với các khu vực ngủ phải lớn hơn mức áp suất âm thanh của môi trường xung quanh ít nhất 15 dBA (với điều kiện các cửa ra vào đều đóng)

- Vị trí lắp đặt thiết bị cảnh báo bằng ánh sáng:

+ Được lắp đặt trên hành lang, lối ra thoát nạn;

+ Nơi người khiếm thính thường ở;

+ Nơi có tiếng ồn xung quanh vượt quá 95 dBA;

+ Khu vực yêu cầu hạn chế về âm thanh (ví dụ khu vực phòng mổ trong bệnh viện)

+ Phải lắp đặt trên trần hoặc tường với số lượng thích hợp sao cho có thể nhìn thấy ở tất cả các vị trí trong khu vực quy định tại Điều 9.2.1;

+ Khi lắp đặt trên tường chiều cao tối thiểu từ chân tường đến đèn tối thiểu 2,0 m;

+ Tín hiệu cảnh báo bằng ánh sáng cần bảo đảm tính đồng bộ khi lóe sáng;

+ Sự cố của thiết bị cảnh báo bằng ánh sáng trong khu vực bất kỳ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị cảnh báo bằng ánh sáng trong khu vực khác.

Xem thêm chi tiết các tiêu chuẩn khác tại Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Hệ thống báo cháy - Phần 14.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 380

Bài viết về

lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]