Chấp hành viên làm thủ tục thi hành án |
Chưa có hướng dẫn, Luật vẫn thi hành được
Để triển khai Luật Tố tụng hành chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt, chỉ đạo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, xác định rõ các công việc cần phải làm, nhất là việc xây dựng thể chế và các điều kiện bảo đảm để kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện tốt công tác thi hành án hành chính.
Theo Bộ Tư pháp, vấn đề quan trọng đầu tiên để triển khai tốt Luật Tố tụng hành chính là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Tố tụng hành chính đã quy định tương đối cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đến việc thi hành án hành chính, do đó, hiện tại chưa cần thiết phải ban hành Nghị định hướng dẫn cũng có thể triển khai thực hiện được.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn tổ chức thi hành án hành chính và công tác quản lý thi hành án hành chính, Chính phủ sẽ nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật này, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, do công tác quản lý và đôn đốc thi hành án hành chính là công việc mới và tương đối phức tạp, nên cần phải có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến cơ sở, Bộ Tư pháp cho biết: Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét để sớm ban hành văn bản để chỉ đạo các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, để giúp các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương thực hiện tốt công tác này, cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể một số vấn đề liên quan đến hoạt động nghiệp vụ. Và Bộ Tư pháp sẽ đảm trách việc ban hành các văn bản nói trên.
Sẽ có đầu mối quản lý Thi hành án hành chính
Sau khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực, chưa bao giờ, ngành Thi hành án được củng cố cả về tổ chức bộ máy lẫn trang thiết bị làm việc như hiện nay. Theo thống kê cả nước hiện có 3.016 chấp hành viên, với 63 cục thi hành án, 695 chi cục cấp huyện. Đội ngũ lãnh đạo cơ bản được kiện toàn từ trung ương đến cơ sở.
Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, cũng theo Bộ Tư pháp, thực tế hiện nay, các công việc liên quan đến công tác thi hành án hành chính còn chưa nhiều, vì vậy, trước mắt chưa cần thiết phải bố trí tổ chức, bộ máy độc lập. Bộ Tư pháp khẳng định: trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương sắp xếp, bố trí đầu mối, nhân sự thực hiện công tác quản lý, đôn đốc và tổ chức thi hành án hành chính. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí bổ sung biên chế chuyên trách công tác này cho các cơ quan thi hành án dân sự.
Trên cơ sở quy định của Luật Tố tụng hành chính, ngành Thi hành án dân sự đã kết hợp giữa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án dân sự với việc triển khai các công việc có liên quan đến thi hành hành chính cho các đối tượng là thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan thi hành án trong quân đội. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã xây dựng xong kế hoạch triển khai Luật
Tố tụng hành chính (dự kiến tổ chức thực hiện trong quý IV năm 2011), đồng thời, chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án hành chính để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
P.V