Quyền tác nghiệp của báo chí cần được đảm bảo. Ảnh: L.Bằng
Văn bản của MEC (đơn vị trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam) đã được gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cùng nhiều cơ quan khác.
Dẫn hàng loạt văn bản pháp luật quy định việc bảo hộ cho hoạt động tác nghiệp của báo chí cùng các kết quả nghiên cứu từ năm 2011, 2012, 2013, MEC cho rằng: Tình trạng cản trở, không tạo điều kiện, không thực thi các trách nhiệm/nghĩa vụ đối với hoạt động báo chí vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài, chậm được xử lí dứt điểm.
"Điều đáng quan ngại là các hình thức cản trở diễn ra ngày một tinh vi, mức độ gây ảnh hưởng cho xã hội ngày một lớn, đi ngược lại chủ trương nhất quán của Chính phủ là phải công khai và minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình. Điều này cho thấy nhu cầu cần có các nghiên cứu, khảo sát, phân tích, gợi mở biện pháp quản lí mới nhằm chống lại các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp" - văn bản của MEC nêu rõ.
Do đó, MEC kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng xây dựng Nghị định "Bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí" nhằm hướng dẫn Điều 2 Luật Báo chí.
Khi lựa chọn hình thức văn bản, nhóm chuyên gia MEC đã cân nhắc giữa Nghị định và Thông tư hoặc Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông. MEC quyết định chọn kiến nghị hình thức văn bản là Nghị định. Bởi vì văn bản này cần do Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất ban hành để đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thi hành, do một trong những đối tượng áp dụng của văn bản chính là các cơ quan quản lí Nhà nước, bao gồm cả các cơ quan quản lí trong lĩnh vực báo chí và bảo vệ pháp luật trực thuộc nhiều bộ, ban ngành.
Trước đó, ngày 2-12-2013, MEC đã công bố báo cáo nghiên cứu-khảo sát "Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí". Tại phần "Khuyến nghị" của báo cáo có nêu: "Về trung hạn cần có một Nghị định riêng về "bảo vệ quyền tác nghiệp báo chí" nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Báo chí.
Khuyến nghị này được đưa ra căn cứ theo Điều 2 Luật Báo chí năm 1989. Điều luật này nêu rõ: "Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân".
Kết quả khảo sát của dự án "Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của tổ chức, công dân trên báo chí" do MEC tiến hành cho thấy, có đến 3/4 các kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân thông qua báo chí không hoặc rất chậm được cơ quan nhà nước trả lời theo luật định. Trong số các ý kiến trả lời thì 75% là các thông tin "vỏ" mang tính hứa hẹn "sẽ giải quyết", "đang xem xét" chứ không phải là "kết quả" hoặc "biện pháp giải quyết" như quy định. |
Lương Bằng
Theo Báo Hải quan