Đề xuất mới về xử lý đối với các hợp đồng kiểm toán đã ký trong trường hợp không được chấp thuận (Hình từ internet)
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84/2016/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng (gọi tắt là dự thảo Nghị định).
Dự thảo Nghị định |
Theo đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm quy định trong việc xử lý đối với các hợp đồng kiểm toán đã ký trong trường hợp không được chấp thuận, cụ thể:
(1) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không được chấp thuận trong kỳ nào thì không được tiếp tục thực hiện các hợp đồng kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo khác đã ký và không được ký thêm các hợp đồng kiểm toán mới với đơn vị có lợi ích công chúng trong kỳ đó, trừ trường hợp quy định tại khoản (2).
(2) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận trong kỳ trước nhưng không được chấp thuận trong kỳ sau thì chỉ được tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính năm đã ký với đơn vị có lợi ích công chúng trong kỳ sau nếu thỏa mãn tất cả các Điều kiện sau:
- Đã thực hiện trong kỳ được chấp thuận việc soát xét báo cáo tài chính bán niên cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc đối tượng bắt buộc phải soát xét báo cáo tài chính bán niên;
- Phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng.
(3) Việc tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề có được tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán nêu tại khoản (2) hay không còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của khách hàng theo các trường hợp sau:
- Trường hợp khách hàng không đồng ý tiếp tục, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Trường hợp khách hàng đồng ý tiếp tục hợp đồng kiểm toán, tổ chức kiểm toán phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp, thực hiện cuộc kiểm toán có chất lượng, đảm bảo đúng các yêu cầu của chuẩn mực chuyên môn và yêu cầu của pháp luật về kiểm toán độc lập. Nếu không đảm bảo năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện kiểm toán, tổ chức kiểm toán phải từ chối thực hiện kiểm toán theo quy định của Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập 2011.
Như vậy, theo đề xuất mới, hợp đồng kiểm toán đã ký nhưng không được chấp thuận có được tiếp tục thực hiện hay không còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của khách hàng.
Theo Điều 7 Nghị định 84/2016/NĐ-CP quy định tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không được xem xét chấp thuận, trong đó điểm e, điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 84/2016/NĐ-CP quy định các trường hợp:
- Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề kiểm toán và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật trong năm được xem xét;
- Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không thực hiện thông báo, báo cáo theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.
Tuy nhiên tại dự thảo Nghị định, đã sửa đổi, bổ sung 02 điểm nêu trên theo hướng phân loại cụ thể hơn hành vi không được xem xét để có biện pháp xử lý vi phạm phù hợp, theo đó, sửa đổi, bổ sung điểm e, điểm k khoản 1 Điều 7 Nghị định 84/2016/NĐ-CP như sau:
- Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cùng một hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán độc lập từ 02 lần trở lên trong vòng 24 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ.
- Tính đến thời điểm nhận hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề không nộp theo quy định một trong các báo cáo sau: Báo cáo duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán; Báo cáo duy trì hành nghề kiểm toán; Báo cáo tự kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán.