Tập trung thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
22/06/2024 17:00 PM

Tại Kết luận 81-KL/TW ngày 04/6/2024, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon.

Bộ Chính trị yêu cầu tập trung thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon

Bộ Chính trị yêu cầu tập trung thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon (Hình từ Internet)

Tập trung thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Bộ Chính trị tại Kết luận 81-KL/TW ngày 04/6/2024 đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết, Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị khoá XII; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái; hướng đến đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trung hoà carbon.

(2) Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp. Coi thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để phát triển bền vững, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất.

(3) Tiếp tục kiện toàn, củng cố bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

(4) Triển khai đầy đủ, toàn diện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Đất đai 2024; xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản; sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

(5) Chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý tổng hợp, điều phối các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực; xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đổi mới các công cụ kinh tế, tiếp cận thị trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu ban hành Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoàn thiện các quy hoạch, phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

(6) Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật, phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật; nâng cao vai trò, hiệu quả công tác phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

(7) Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng; tập trung nguồn lực giải quyết các nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm các hệ sinh thái. Thúc đẩy phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền, ở từng cấp độ. Từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển mạnh sang phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Có chính sách thu hút các dự án đầu tư xanh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên.

(8) Thường xuyên cập nhật kịch bản, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; chủ động ứng phó với sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du; thực hiện giải pháp tổng thể về phòng, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún vùng đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng công tác di dời, tái định cư cho người dân ở các khu vực có nguy cơ rủi ro thiên tai cao.

(9) Chủ động dự trữ nguồn lực cho các hoạt động khắc phục, tái thiết và phát triển trở lại trạng thái bình thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường gây ra. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của từng ngành, lĩnh vực, nhất là xây dựng, giao thông, nông nghiệp; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường carbon.

(10) Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, khoáng sản, đặc biệt là tài nguyên biển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đồng bộ, liên thông đáp ứng yêu cầu công tác quản lý. Tăng cường biện pháp khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng. Kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi lòng sông, bờ biển; thúc đẩy khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản chiến lược. Xây dựng hệ thống thông tin, chuyển đổi số trong điều hoà, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tăng cường trao quyền quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng; mở rộng các khu bảo tồn biển. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(11) Tập trung nguồn lực để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải tại các đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề; cải tạo, phục hồi các lưu vực sông, hồ chứa, công trình thủy lợi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xây dựng hạ tầng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; phát triển ngành công nghiệp tái chế; đẩy mạnh xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế chôn lấp; giảm thiểu rác thải nhựa.

(12) Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Bảo đảm cung cấp nước sạch cho Nhân dân; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, rạn san hô, thảm cỏ biển; mở rộng, tăng số lượng, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả đa dạng sinh học vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên. Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 624

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]