Tổng cục Thuế bãi bỏ một số văn bản quy phạm, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính thu nhập đặc thù ( Hình từ Internet)
Ngày 27/6/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành Quyết định 875/QĐ-TCT về bãi bỏ các văn bản quy định, hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính thu nhập đặc thù.
Theo nội dung trong Quyết định 875/QĐ-TCT năm 2024 thì các văn bản do Tổng cục Thuế ban hành quy định, hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của Tổng cục Thuế bị bãi bỏ từ ngày 01/7/2024 bao gồm:
- Quyết định 1818/QĐ-TCT năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế giai đoạn 2016-2020.
- Quyết định 1819/QĐ-TCT năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy chế chi tiêu và một số định mức chi nội bộ đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế giai đoạn 2016-2020.
- Quyết định 2512/QĐ-TCT năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành quy chế chi phối hợp, khen thưởng với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bên ngoài có liên quan đến công tác thuế để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế.
- Quyết định 1268/QĐ-TCT năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc sửa đổi, bổ sung các Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế giai đoạn 2016-2020.
- Quyết định 295/QĐ-TCT năm 2024 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc sửa đổi, bổ sung các Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế giai đoạn 2016-2020.
- Khoản 2.2 Điều 3, khoản 1c Điều 5 Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới đối với các đơn vị dự toán thuộc Tổng cục Thuế ban hành kèm theo Quyết định 919/QĐ-TCT năm 2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách mới đối với các đơn vị dự toán thuộc Tổng cục Thuế.
Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 1836/QĐ-BTC năm 2018 thì cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế như sau:
(1) Cơ cấu tổ chức của Cục Thuế tỉnh, thành phố được tổ chức như sau:
- Đối với các Phòng thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố:
+ Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức không quá 11 Phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và không quá 10 Phòng Thanh tra - Kiểm tra;
+ Cục Thuế có số thu từ 2.500 tỷ đồng/năm trở lên (không kể thu từ dầu thô và đất) hoặc quản lý 2.000 doanh nghiệp trở lên (trừ Cục Thuế thành phố Hà Nội và Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh) được tổ chức không quá 9 Phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và không quá 5 Phòng Thanh tra - Kiểm tra;
+ Cục Thuế có số thu dưới 2.500 tỷ đồng/năm (không kể thu từ dầu thô và đất) hoặc quản lý dưới 2.000 doanh nghiệp được tổ chức không quá 8 Phòng thực hiện chức năng tham mưu, quản lý thuế và Phòng Thanh tra - Kiểm tra.
- Chi cục Thuế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố.
Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
(2) Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế căn cứ vào tiêu chí về quy mô, đối tượng quản lý và tình hình thực tế tại địa phương báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cơ cấu tổ chức đối với từng Cục Thuế tỉnh, thành phố và chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố; Chi cục Thuế khu vực.
Trên cơ sở cơ cấu tổ chức của các Cục Thuế đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố.
Xem thêm Quyết định 875/QĐ-TCT có hiệu lực ngày 27/06/2024.
Võ Tấn Đại