Sẽ tiếp tục điều chỉnh giá điện

19/03/2014 14:33 PM

Theo ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới giá điện phải tiếp cận được với giá thị trường và phản ánh đúng chi phí thực của các khâu sản xuất, truyền tải cũng như phân phối.

Sáng nay (19/3), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Việt Nam – Nauy Thủy điện và cải cách thị trường điện tại Việt Nam. Tại đây, các vấn đề liên quan đến phát triển thị trường điện và thủy điện sao cho hiệu quả đã được các chuyên gia đem ra thảo luận.

Việt Nam có tiềm năng về thủy điện

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện về lý thuyết khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000 MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm. Trong đó, miền Bắc chiếm khoảng 60%, miền Trung chiếm khoảng 27% và miền Nam chiếm khoảng 13%.

Các hồ thủy điện với tổng dung tích hàng chục tỷ m³, đã đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động tích trữ để bổ sung lưu lượng, cấp nước về mùa kiệt và cắt giảm lũ phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ môi trường... cho hạ du.

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các hồ thủy điện sẽ chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56 tỷ m³ trong tổng số 65 tỷ m³). Đây là nguồn dung tích trữ nước cực kỳ quan trọng, trong những năm qua đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, đóng vai trò chủ chốt, đảm bảo chủ động điều tiết cấp nước và chống, giảm lũ cho hạ du đặc biệt là khu vực miền Bắc. 


Việt Nam cần khai thác hiệu quả thủy điện để đảm bảo nguồn an ninh quốc gia. Ảnh minh họa

Đồng thời, với việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ), một số cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trong các khu vực tái định cư được nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ và kiên cố, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa cho người dân địa phương.

Mặc dù vậy, việc đầu tư xây dựng các DATĐ cũng đã gây ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực dự án, đời sống sản xuất của nhân dân vùng tái định cư chưa được ổn định và phát triển bền vững, chiếm dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng. Điều này, phần nào làm thu hẹp không gian sống, ảnh hưởng tới phong tục tập quán, văn hóa của người dân bản địa và tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội. Đây là những vấn đề lớn còn tồn tại và cần phải tiếp tục giải quyết, đặc biệt là tại các dự án thủy điện vừa và lớn.

Trong khi đó, theo Bộ Công thương, Việt Nam là quốc gia thiếu nước, vì vậy việc xây dựng các hồ chứa lợi dụng tổng hợp, thủy điện kết hợp thủy lợi vẫn được ưu tiên phát triển.

Cũng theo Bộ Công Thương, để đảm bảo phát triển thủy điện một cách bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, các nhà máy thủy điện vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả phát điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hạ du, cắt giảm lũ, hạn chế các tác động tiêu cực đối với hạ du.

Cùng với đó, nghiên cứu ban hành quy định về giám sát thực hiện công tác bảo vệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, quy định về dòng chảy tối thiểu ở hạ du các hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa về mùa kiệt trên các lưu vực sông, tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành các công trình thủy điện, đảm bảo an toàn cho công trình, người dân.

Điều chỉnh giá điện tiếp cận thị trường

Chia sẻ với PV về việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới giá điện phải tiệm cận được với giá thị trường, phản ánh đúng được với chi phí thực của các khâu sản xuất, truyền tải cũng như phân phối. Còn đối với những hộ nghèo, Chính phủ sẽ có chương trình hỗ trợ riêng.

Cũng theo ông Phúc, hiện nay, theo quy định của Chính phủ, giá điện tăng trên 10% sẽ phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi điều chỉnh, còn ở mức dưới mức này Thủ tướng Chính phủ đã cho phép EVN được phép điều chỉnh, nhưng dưới sự kiểm soát của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. “Mặc dù vậy, đến thời điểm này, Bộ Công thương chưa nhận được phương án nào về việc điều chỉnh giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)”, ông Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, năng lượng hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng năm 2013 khoảng 57 triệu tấn dầu và dự báo mức tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng ở mức cao, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2020 và xấp xỉ 5% trong giai đoạn 2020 - 2030.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng cho biết thêm, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú như than, dầu khí, thủy điện và năng lượng tái tạo. Hiện tại, các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, các nguồn thủy điện lớn đã được khai thác gần hết. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững, Việt Nam cũng cân đối sử dụng các nguồn tài nguyên, trong đó có việc khai thác hiệu quả thủy điện và cải cách thị trường điện.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay, phần lớn các nguồn năng lượng thủy điện cơ bản đã được khai thác hết. Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tối ưu vận hành các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang thủy điện để đạt tối đa khả năng khai thác. Bên cạnh đó, Việt Nam từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện.

Minh Hường

Theo VnMedia

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,293

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]