Đề xuất bãi bỏ Nghị định 161/2018 về tuyển dụng công chức viên chức, hợp đồng 161

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/07/2024 17:17 PM

Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ Nghị định 161/2018 về tuyển dụng công chức viên chức, hợp đồng 161.

Đề xuất bãi bỏ Nghị định 161/2018 về tuyển dụng công chức viên chức

Đề xuất bãi bỏ Nghị định 161/2018 về tuyển dụng công chức viên chức (Ảnh chụp từ dự thảo Nghị định bãi bỏ văn bản QPPL của Chính phủ)

Lý do đề xuất bãi bỏ Nghị định 161/2018 về tuyển dụng công chức viên chức

Bộ Nội vụ dự thảo Nghị định của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Trong đó, đề xuất bãi bỏ Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, lý do đề xuất bãi bỏ Nghị định 161/2018/NĐ-CP như sau:

- Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP bị bãi bỏ tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

- Điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP bị bãi bỏ tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

- Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP bị bãi bỏ tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với các loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Căn cứ tuyển dụng công chức

Theo Điều 3 Nghị định 138/2020/NĐ-CP căn cứ tuyển dụng công chức được quy định như sau:

- Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.

- Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo cơ quan quản lý công chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:

+ Số lượng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao và số lượng biên chế chưa sử dụng của cơ quan sử dụng công chức;

+ Số lượng biên chế cần tuyển ở từng vị trí việc làm;

+ Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển;

+ Số lượng vị trí việc làm thực hiện xét tuyển (nếu có) đối với từng nhóm đối tượng: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học; sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng;

+ Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm;

+ Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển;

+ Các nội dung khác (nếu có).

- Kế hoạch tuyển dụng khi xét tuyển đối với nhóm đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Căn cứ tuyển dụng viên chức

Hiện nay, căn cứ tuyển dụng viên chức được quy định tại Điều 4 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP) như sau:

- Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý viên chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:

+ Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Số lượng người cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng. Các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng phải có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau, cùng Hội đồng thi, áp dụng hình thức thi viết (vòng 2) và chung đề thi;

+ Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển;

+ Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm;

+ Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển;

+ Các nội dung khác (nếu có).

Đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP xây dựng và quyết định kế hoạch tuyển dụng theo quy định tại khoản này mà không phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,196

Bài viết về

Thi tuyển công chức viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]