Tổng hợp văn bản về Quy hoạch khai thác đất hiếm tại Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/07/2024 09:59 AM

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về trữ lượng đất hiếm. Dưới đây là tổng hợp những văn bản về quy hoạch khai thác đất hiếm tại Việt Nam.

Khai thác đất hiếm tại Việt Nam

Khai thác đất hiếm tại Việt Nam (Hình từ internet)

Tổng hợp văn bản về Quy hoạch khai thác đất hiếm tại Việt Nam

Dưới đây là những văn bản có liên quan đến quy hoạch thăm dò, khai thác đất hiếm và những nội dung nổi bật:

(1) Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

…Khoáng sản đất hiếm

Các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp (sản phẩm là tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO)), sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

a) Thăm dò

- Giai đoạn đến năm 2030: Hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe tỉnh Lai Châu. Thăm dò nâng cấp, thăm dò mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại: Lai Châu (7); Lào Cai (2); Yên Bái (1).

- Giai đoạn 2031 - 2050: Thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 - 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Chi tiết các đề án thăm dò khoáng sản đất hiếm tại Phụ lục II.14 kèm theo.

b) Khai thác

- Giai đoạn đến năm 2030: Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm tại các mỏ đã cấp phép khai thác như Đông Pao - Lai Châu; Yên Phú - Yên Bái.

Dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu (5), Lào Cai (3); Yên Bái (1).

Tổng sản lượng khai thác đạt ≈ 2.020.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

- Giai đoạn năm 2031 - 2050: Duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác đạt ≈ 2.112.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

Chi tiết các dự án khai thác khoáng sản đất hiếm tại Phụ lục III.14 kèm theo.

c) Chế biến

- Giai đoạn đến năm 2030: Hoàn thành đầu tư Nhà chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

(1) Tổng các ôxit đất hiếm (TREO): Đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện - chế biến đất hiếm tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 (không tính sản lượng chế biến của các Nhà máy đã đầu tư từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu), dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.

(2) Đất hiếm riêng rẽ (REO): Đầu tư mới các dự án chiết tách - chế biến đất hiếm tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ đến năm 2030 (không tính sản lượng chế biến của các Nhà máy đã đầu tư từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu), dự kiến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm.

- Giai đoạn 2031 - 2050: Căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có. Tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm.

(1) Tổng các ôxit đất hiếm (TREO): 40.000 - 80.000 tấn/năm;

(2) Đất hiếm riêng rẽ (REO): 40.000 - 80.000 tấn/năm;

(3) Kim loại đất hiếm: Đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm do nhà đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500 - 10.000 tấn/năm.

Chi tiết các dự án chế biến đất hiếm tại Phụ lục IV.13 kèm theo.

(2) Quyết định 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024 Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

…Dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công:

a) Thời kỳ quy hoạch 10 năm (2021 - 2030), ưu tiên các dự án đầu tư mới chế biến các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken), bao gồm: Dự án điện phân nhôm; dự án sản xuất alumin; dự án sản xuất Pigment (Đioxit titan); dự án tuyển tách quặng cromit và thu hồi khoáng sản đi kèm; dự án tinh luyện kim loại màu; dự án chế biến hợp chất niken; dự án tuyển quặng apatit loại II; dự án chế biến quặng đất hiếm (thủy luyện - chiết tách).

b) Thời kỳ quy hoạch dự báo (2030 - 2050), ưu tiên các dự án đầu tư mới có quy mô lớn, chiến lược, quan trọng như: Dự án điện phân nhôm; dự án luyện titan xốp/titan kim loại; dự án thủy luyện và tách chiết đất hiếm; dự án chế biến hợp chất niken/niken kim loại.

(3) Nghị quyết 141/2024/QH15 về hoạt động, chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Trong năm 2024, hoàn thành việc lập, phê duyệt Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền).

(4) Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Quốc hội ban hành

… Tài nguyên khoáng sản: cơ bản hoàn thành điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản trên phần đất liền; điều tra, phát hiện khoáng sản tại các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Điều tra, thăm dò các loại khoáng sản công nghiệp, tập trung thăm dò các khu vực có triển vọng cao, các khoáng sản quan trọng và khoáng sản có tiềm năng trữ lượng lớn phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng, ưu tiên thăm dò các mỏ, khu vực phân bố khoáng sản trong vùng phát triển sản xuất vật liệu xây dựng hoặc các vùng lân cận; những vùng có điều kiện khai thác thuận lợi hoặc có khả năng đưa vào khai thác sử dụng, bảo đảm hiệu quả, hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường.

Hạn chế tối đa và tiến tới dừng khai thác các mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, các mỏ khai thác phát sinh tác động lớn đến môi trường, cảnh quan khu vực. Chú trọng sắp xếp, bố trí hình thành các cụm mỏ có quy mô đủ lớn để thu hút đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác đến chế biến sâu và áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại.

Bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt với dự trữ khoáng sản lâu dài; ưu tiên sử dụng các loại khoáng sản cho phát triển công nghiệp quy mô lớn, hiện đại ở trong nước; xuất khẩu khoáng sản trên cơ sở cân đối hiệu quả đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản; hạn chế tối đa xuất khẩu khoáng sản thô.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,885

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]