Quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ từ ngày 01/01/2025 (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 27/6/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đường bộ 2024.
Theo Điều 38 Luật Đường bộ 2024 quy định về việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ như sau:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ phải được thiết kế, xây dựng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thoát lũ và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai.
- Việc thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với các tuyến đường đã đưa vào khai thác, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
+ Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với đường bộ thuộc phạm vi quản lý;
+ Người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đối với đường bộ được giao quản lý, tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn; sửa chữa, khắc phục ngay hư hỏng công trình đường bộ đối với các trường hợp không bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; khắc phục nguy cơ sập đổ công trình đường bộ, công trình liền kề; tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tại Điều 16 Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về nguồn kinh phí thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ bao gồm:
- Nguồn kinh phí chi sự nghiệp kinh tế đường bộ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định.
- Nguồn ngân sách cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương theo quy định.
- Nguồn của doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ.
- Nguồn kinh phí được chi trả từ hợp đồng mua bảo hiểm công trình xây dựng (nếu có).
- Các khoản cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài khi thiên tai xảy ra; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Về việc hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ đảm bảo 04 nguyên tắc, cụ thể theo Điều 4 Thông tư 03/2019/TT-BGTVT được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư 43/2021/TT-BGTVT quy định như sau:
- Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng chống thiên tai và cứu nạn được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 và Điều 4 Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Khi thiên tai suy yếu hoặc sau khi thời tiết trở lại bình thường các tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ được giao phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục các thiệt hại xảy ra đối với công trình đường bộ để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.
- Các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong kế hoạch đề ra phải được đáp ứng về nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm bốn tại chỗ “Lực lượng tại chỗ - Chỉ huy tại chỗ - Vật tư, hậu cần tại chỗ - Thiết bị tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai và ứng cứu, khắc phục trong thời gian ngắn nhất.
- Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, các công trình giao thông, phương tiện hoạt động trên đường bộ; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.
Xem thêm Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Đường bộ 2024.
Luật Giao thông đường bộ 2008 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 Luật Đường bộ 2024.
Tô Quốc Trình