Cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
20/07/2024 16:30 PM

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 690/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 về cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025.

Cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

Cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (Hình từ Internet)

Cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

Ngày 17/7/2024, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025” tại Quyết định 690/QĐ-TTg.

Việc cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nhằm đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo là doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh vốn theo quy định; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn vào doanh nghiệp, dự án theo cơ chế thị trường trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối hoặc các doanh nghiệp, dự án trong các ngành, lĩnh vực mà nhà nước không tiếp tục nắm giữ chi phối trong giai đoạn này nhưng có đóng góp quan trọng với chuỗi giá trị của SCIC như: công nghệ, thị trường, tài chính, nguồn thu cổ tức hằng năm, sử dụng nhiều lao động, có nhiều cơ sở đất đai,..; đồng thời, khai thác tốt các cơ hội đầu tư trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Theo đó, việc cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước được thực hiện theo các định hướng, giải pháp nổi bật sau:

(1) Về ngành, nghề kinh doanh

SCIC tập trung vào các ngành, nghề như sau:

- Ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

- Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư và kinh doanh vốn vào các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; Cung cấp các dịch vụ tư vấn và đầu tư, tài chính, chuyển đổi, quản trị, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

- Các ngành, nghề khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

(2) Phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp

- Tạo lập nguồn lực tài chính tập trung để đảm bảo nguồn lực đầu tư vào các dự án trọng điểm thuộc ngành nghề kinh doanh chính của SCIC; phát huy vai trò dẫn dắt của SCIC trong việc thúc đẩy hình thành, mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị. Tăng tích tụ, tập trung vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ tại một số doanh nghiệp trong danh mục nhằm nâng cao nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án lớn có tính chiến lược.

- Thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc SCIC theo Quyết định được phê duyệt; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.

- Tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

- Về vốn điều lệ của SCIC: Thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật.

(3) Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý

- Thực hiện kiện toàn mô hình tổ chức Đảng bộ - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo mô hình Tổng công ty nhà nước và các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty;

- Nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại Tổng công ty đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, quản lý cán bộ trong Tổng công ty;

- Rà soát, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của các đơn vị theo định hướng tinh gọn, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

(4) Lộ trình thực hiện

- Tập trung tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để đến năm 2025 giải quyết cơ bản các vướng mắc, tồn tại (nếu có) của SCIC và các đơn vị thành viên; đẩy mạnh công tác thoái vốn.

- Đến năm 2025: hầu hết các doanh nghiệp thành viên là công ty cổ phần, mô hình tổ chức tinh gọn, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực, đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.

- Củng cố, phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số lĩnh vực kinh doanh chính của SCIC.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 800

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]