06 điều cần biết về cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt (Hình từ Internet)
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 được Quốc hội thông qua vào ngày 27/6/2024.
1. Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là gì?
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý, làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.
Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- Là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc tổ chức được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập, phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý;
- Có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược; sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng; đào tạo nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; hoạt động thương mại quân sự, cung cấp dịch vụ công nghiệp quốc phòng; cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược;
- Có tổ chức, biên chế tương đương cấp lữ đoàn trở lên trong Quân đội nhân dân.
(Khoản 1 Điều 34 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024)
Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt gồm các loại hình sau đây:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Đơn vị sự nghiệp công lập;
- Cơ sở cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược.
(Khoản 2 Điều 34 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024)
Các nhân lực tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt như sau:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng làm việc tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an làm việc tại cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt;
- Lao động hợp đồng;
- Chuyên gia, nhà khoa học theo hình thức thuê khoán hoặc hợp tác tư vấn;
(Khoản 2 Điều 25 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024)
Cụ thể tại Điều 35 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024, các hoạt động của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt bao gồm:
- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoá, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vật tư kỹ thuật; sản xuất sản phẩm, trang thiết bị phục vụ hoạt động cơ yếu, tác chiến không gian mạng phục vụ quốc phòng, an ninh.
- Sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác bảo đảm hoạt động công nghiệp quốc phòng.
- Đào tạo nhân lực cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.
- Chuyển giao công nghệ, tài liệu, hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện nhân lực; tham gia nghiệm thu sản phẩm, dây chuyền; kiểm tra, tiếp nhận sản phẩm trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp.
- Cất trữ vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật cấp chiến lược cho công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.
- Liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có các quyền như sau:
- Sử dụng nhân lực, cơ sở vật chất để nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp dân sinh;
- Được ưu đãi về tín dụng, đất đai và ưu đãi khác theo quy định của pháp luật khi tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, hiện đại, có vai trò dẫn dắt đối với công nghiệp quốc gia và nền kinh tế;
- Liên doanh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh theo quy định của pháp luật.
Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt có các nghĩa vụ như sau:
- Bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Bảo đảm an toàn, bí mật nhà nước trong quá trình tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh;
- Thực hiện hạch toán riêng đối với doanh thu từ sản phẩm, dịch vụ phục vụ dân sinh.
(Điều 32 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024)
Xem thêm tại Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.