Quy định về bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ từ ngày 01/01/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/07/2024 17:15 PM

Quốc hội thông qua Luật Đường bộ 2024, theo đó quy định về việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ từ ngày 01/01/2025, cụ thể được trình bài tại nội dung bài viết sau.

Quy định về bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ từ ngày 01/01/2025

Quy định về bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ từ ngày 01/01/2025 (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Đường bộ 2024.

Quy định về bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ từ ngày 01/01/2025

Theo Điều 35 Luật Đường bộ 2024 quy định về việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ như sau:

* Bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì hoạt động bình thường, an toàn của kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định của thiết kế trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng, bao gồm:

- Bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, đánh giá an toàn kết cấu hạ tầng đường bộ.

* Bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như sau:

- Bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ gồm bảo dưỡng thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ và được thực hiện theo quy định của Luật Đường bộ 2024, quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Kết quả thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường bộ phải được ghi chép và lập hồ sơ; người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm xác nhận việc hoàn thành bảo dưỡng và quản lý trong hồ sơ bảo trì công trình đường bộ;

- Việc áp dụng hình thức bảo dưỡng đối với kết cấu hạ tầng đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về đấu thầu.

* Sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất để khắc phục hư hỏng, xuống cấp phát sinh trong thời gian vận hành, khai thác, sử dụng bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ, hạn chế việc xuống cấp của kết cấu hạ tầng đường bộ.

* Sửa chữa định kỳ bao gồm:

- Sửa chữa khiếm khuyết, hư hỏng công trình, hạng mục công trình, thiết bị, thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác, sử dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;

- Bổ sung báo hiệu đường bộ, công trình an toàn giao thông đường bộ và các hạng mục công trình, thiết bị công trình khác để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt và cải thiện tình trạng kỹ thuật của công trình đang khai thác;

- Sửa chữa, nâng cấp kho chứa trang thiết bị, vật tư dự phòng trong lĩnh vực đường bộ; mua sắm bổ sung vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

- Sửa chữa, nâng cấp hệ thống quản lý giao thông thông minh; trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc; phương tiện, thiết bị, hệ thống công nghệ phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ; hệ thống quản lý, vận hành giao thông đường bộ; hệ thống thu phí; công trình kiểm soát tải trọng xe.

* Sửa chữa đột xuất bao gồm:

- Sửa chữa khắc phục điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ;

- Sửa chữa khắc phục hậu quả thiên tai;

- Sửa chữa khi bộ phận công trình bị hư hỏng đột xuất trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng và các trường hợp cần thiết khác để bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông trong thời gian vận hành, khai thác, sử dụng.

* Việc sửa chữa kết cấu hạ tầng đường bộ phải bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng lưu lượng, tải trọng khai thác và tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định của Luật Đường bộ 2024.

* Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ và đánh giá an toàn công trình được quy định như sau:

- Việc kiểm tra chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ gồm các công việc tuần đường, tuần kiểm và các công việc kiểm tra khác theo quy định của pháp luật về xây dựng;

- Việc quan trắc, kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng đường bộ và đánh giá an toàn công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Xem thêm Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Đường bộ 2024.

Luật Giao thông đường bộ 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch 2018Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 Luật Đường bộ 2024.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,314

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]