Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm (Hình từ internet)
Ngày 22/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2024, đã đặt ra các mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, và giải pháp trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, tại nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã nêu nội dung như sau:
* Bộ Giao thông vận tải:
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng.
- Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh, các dự án vành đai, các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, Nam Nghi Sơn.
- Phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cải tạo, nâng cấp để tiếp tục khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một số tuyến đường sắt kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.
- Đẩy nhanh xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng đề án tổng thể thống nhất về cơ chế giao quản lý, khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo hướng tăng cường xã hội hóa, tách biệt rõ vai trò quản lý nhà nước với vai trò quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
- Nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
- Nghiên cứu rà soát, xây dựng, điều chỉnh định mức chuyên ngành; phối hợp với Bộ Xây dựng để áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế, quản lý, giám sát thi công các dự án trọng điểm.
Như vậy, theo nội dung trên thì Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong thời gian tới. Cùng với đó là nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác của quốc gia cũng đã được đặt mục tiêu, giao nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn từ đây đến năm 2030.
Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 111/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 22/7/2024.
Lê Nguyễn Anh Hào