Điều kiện, hình thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động từ ngày 01/7/2025 (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 27/6/2024, Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024.
Tại Điều 30 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 quy định về điều kiện, hình thức tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động như sau:
- Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;
+ Bảo đảm an toàn, bí mật;
+ Đối với doanh nghiệp ngoài điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 phải bảo đảm điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh thông qua hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trường hợp cung cấp dịch vụ thanh toán, cấp tín dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.
Theo Điều 29 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 quy định về lĩnh vực tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh đối với cơ sở huy động như sau:
- Nghiên cứu, sản xuất chi tiết, phụ tùng, vật tư, bán thành phẩm của sản phẩm quốc phòng, an ninh.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nền, công nghệ lõi phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.
- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; cung cấp sản phẩm, dịch vụ về quản trị doanh nghiệp, an toàn thông tin, công nghệ cao.
- Dịch vụ thanh toán và cấp tín dụng.
- Chuyển giao công nghệ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
- Sản xuất sản phẩm phục vụ quốc phòng, an ninh thông qua liên doanh, liên kết với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt.
- Cung ứng, dự trữ, bảo quản vật tư sản xuất quốc phòng, an ninh.
Theo Điều 31 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh như sau:
* Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh có các quyền sau đây:
- Được Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;
- Được cung cấp và sử dụng thông tin trong phạm vi phục vụ triển khai nhiệm vụ hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh;
- Khi trực tiếp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 29 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều 64 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 và pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
* Cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh có các nghĩa vụ sau đây:
- Tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo đúng phạm vi, nhiệm vụ, kế hoạch, lĩnh vực được giao và tuân thủ hợp đồng đã ký kết;
- Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
- Chấp hành chế độ kiểm tra, báo cáo về hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật.
Xem thêm Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh 01/2018/UBTVQH14, Pháp lệnh Động viên công nghiệp 09/2003/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp 2024 có hiệu lực thi hành.
Tô Quốc Trình