Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/08/2024 12:30 PM

Tại Chỉ thị 04/2024/CT-CA, Tòa án nhân dân tối cao ban hành đã có những chỉ thị liên quan đến việc thực kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân theo quy định mới.

Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân

Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân (Hình từ Internet)

Ngày 31/7/2024, Tòa án nhân dân tối cao ban hành đã có Chỉ thị 04/2024/CT-CA về triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

Thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân

Cụ thể, để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu các thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự tiến hành việc kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân với các nội dung cụ thể như sau:

(1) Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

- Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí thuộc Tòa án nhân dân tối cao phải bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; sử dụng hiệu quả, hợp lý biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc; phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của Tòa án nhằm giúp cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

- Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ động rà soát, đề xuất bổ sung hoặc thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy của đơn vị mình, báo cáo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phụ trách và gửi Vụ Tổ chức - Cán bộ để tổng hợp, đề xuất.

(2) Thành lập các Tòa án nhân dân cấp cao, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân cấp cao

- Rà soát khối lượng công việc của các Tòa án nhân dân cấp cao để nghiên cứu, đề xuất việc thành lập thêm 01 Tòa án nhân dân cấp cao nhằm khắc phục tình trạng quá tải trong giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp cao hiện nay.

- Thành lập, quy định số lượng các tòa, vụ trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao phải căn cứ vào tình hình công việc thực tế phải giải quyết của mỗi tòa, vụ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sử dụng hiệu quả, hợp lý biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc.

- Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất việc thành lập các tòa, vụ mới, số lượng các tòa, vụ trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao.

- Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Tòa án nhân dân cấp cao và các đơn vị liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền xác định trụ sở các Tòa án nhân dân cấp cao là mục tiêu quan trọng về chính trị được lực lượng Cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật.

(3) Thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt

- Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, số lượng các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tính chất đặc thù công tác xét xử của từng Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024; trên cơ sở cân nhắc số lượng các vụ việc dự kiến phải giải quyết hàng năm của mỗi Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, đặc thù địa lý, mật độ dân số, tình hình kinh tế, xã hội của các vùng miền, bảo đảm các Tòa án hoạt động hiệu quả.

- Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải bảo đảm giúp cho Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật; bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sử dụng hiệu quả, hợp lý biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc.

- Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đề xuất biên chế, lực lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, bảo đảm để các đơn vị này đi vào hoạt động sau khi các luật tố tụng có hiệu lực thi hành.

- Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với Học viện Tòa án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu ở nước ngoài cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án công tác tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

(4) Tổ chức các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương

- Tổ chức các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phải căn cứ vào dự kiến thẩm quyền của từng Tòa chuyên trách, số lượng từng loại vụ việc cụ thể dự kiến phải giải quyết ở mỗi Tòa án (vụ án hình sự; vụ án hành chính; vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động; các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên; việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân,...) bảo đảm tính hợp lý, tinh gọn, hiệu quả.

- Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của văn phòng, các phòng thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ máy giúp việc thuộc Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm giúp cho các Tòa án này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

- Vụ Tổ chức - Cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

- Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương mình, chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất việc tổ chức các tòa, phòng thuộc Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức bộ máy giúp việc thuộc Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

(5) Kiện toàn tổ chức, hoạt động của các Tòa án quân sự

- Kiện toàn tổ chức, hoạt động của các Tòa án quân sự phải căn cứ vào các quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 về Tòa án quân sự, định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của lực lượng quân đội và phải bảo đảm hoạt động bình thường của các Tòa án quân sự.

- Tòa án quân sự trung ương có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ tham mưu cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết về quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức; dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.

Xem thêm tại Chỉ thị 04/2024/CT-CA ngày 31/7/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 502

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]