Thủ tục thu hồi rừng khi chủ rừng chết mà không có người thừa kế (Hình từ Internet)
Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp 2017. Theo đó, khoản 25 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP quy định thủ tục thu hồi rừng khi chủ rừng chết mà không có người thừa kế được thực hiện như sau:
- Bước 1: Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được giấy chứng tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện việc cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;
- Bước 2: Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi rừng theo quy định:
+ Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi rừng;
+ Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định thu hồi rừng theo Mẫu số 26 Phụ lục II kèm theo Nghị định 91/2024/NĐ-CP.
- Bước 3: Căn cứ quyết định thu hồi rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện việc quản lý rừng theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Theo Điều 22 Luật Lâm nghiệp 2017, Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp sau đây:
- Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;
- Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;
- Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;
- Rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn;
- Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng;
- Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;
- Các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai.
Chủ rừng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao rừng, cho thuê rừng không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.
Theo Điều 14 Luật Lâm nghiệp 2017 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Đất đai 2024), việc thu hồi rừng, giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
- Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án sau đây: dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết khác theo tiêu chí do Chính phủ quy định.
- Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.
- Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.
- Thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.
- Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.
- Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.