TOÀN VĂN: Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/08/2024 10:15 AM

Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký tại Bắc Kinh ngày 12/9/2016 và có hiệu lực từ ngày ký. Dưới đây là Toàn văn Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Toàn văn Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Theo Thông báo 60/2016/TB-LPQT ngày 12/9/2016 về hiệu lực của Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Hoa năm 2016 thì Hiệp định này được ký kết ngày 12/9/2016 và có hiệu lực từ ngày ký.

Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ký ngày 19/10/1998, chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 12/9/2016.

Dưới đây là Toàn văn Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

HIỆP ĐỊNH

THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM  VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi tắt là “hai Bên ký kết”);

Căn cứ Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 07 tháng 11 năm 1991 và Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 19 tháng 10 năm 1998;

Căn cứ Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 18 tháng 11 năm 2009;

Nhằm tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và thúc đẩy hợp tác thương mại ở vùng biên giới giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi,

Hai Bên ký kết đã thỏa thuận như sau:

Điều 1

1. “Thương mại biên giới” trong Hiệp định này là chỉ hoạt động thương mại của các doanh nghiệp hoặc thương nhân và cư dân biên giới được tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới hai nước theo quy định của pháp luật mỗi nước.

2. Thương mại biên giới được thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai Bên thỏa thuận nhất trí mở tại bảy tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên của Việt Nam và hai tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Hoạt động tại chợ biên giới của người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới thông qua đường qua lại biên giới mà hai Bên thỏa thuận mở.

Điều 2

Hai Bên ký kết nhất trí tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp, tích cực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định.

Điều 3

Hai Bên ký kết xác định hoạt động thương mại biên giới phải được tiến hành trên cơ sở phù hợp với Hiệp định này và quy định của pháp luật mỗi nước.

Điều 4

1. Hai Bên ký kết đồng ý hoạt động thương mại biên giới do các cơ quan biên phòng, hải quan, kiểm nghiệm kiểm dịch, giao thông vận tải, thương mại và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật mỗi nước quản lý hiệu quả theo chuyên ngành, cùng duy trì trật tự thương mại biên giới lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi và phát triển bền vững.

2. Khu (điểm) chợ biên giới được thiết lập theo thỏa thuận của chính quyền địa phương cấp tỉnh theo quy định của pháp luật mỗi nước. Hoạt động kinh doanh tại khu (điểm) chợ biên giới của thương nhân và cư dân biên giới phải đăng ký với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật mỗi nước.

3. Hai Bên ký kết nhất trí cùng nhau thúc đẩy thỏa thuận mở các cửa khẩu biên giới đất liền, và khu (điểm) chợ biên giới, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện kho bãi kiểm tra, đưa hợp tác thuận lợi hóa thông quan đi vào chiều sâu góp phần nâng cao khả năng thông quan hàng hóa của các cửa khẩu biên giới và khu (điểm) chợ biên giới.

Điều 5

1. Hai Bên ký kết xác định hàng hóa được tiến hành giao dịch trong thương mại biên giới bao gồm các loại hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, tạm ngừng xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật mỗi nước.

2. Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu quản lý bằng hạn ngạch, giấy phép và các hình thức quản lý khác được thực hiện theo quy định hiện hành của mỗi nước. Hai Bên ký kết xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoặc thương nhân thương mại biên giới đủ điều kiện được cấp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.

3. Hai Bên ký kết xác định cần tuân thủ các điều ước quốc tế mà hai Bên là thành viên, thiết thực thực hiện những nghĩa vụ như bảo vệ động, thực vật hoang dã và môi trường, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với đồ phế thải thể rắn, thịt đông lạnh ở khu vực có dịch bệnh, các động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng và sản phẩm chế biến có liên quan.

Điều 6

1. Hai Bên ký kết xác định thương mại biên giới phải tuân thủ các quy định của pháp luật mỗi Bên về kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm nghiệm an toàn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.

2. Hai Bên ký kết nhất trí giao quyền cho cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch mỗi Bên theo tiêu chuẩn và quy định của pháp luật mỗi nước để tiến hành kiểm nghiệm, kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận liên quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới.

3. Hai Bên ký kết đồng ý tích cực áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm tăng cường quản lý chất lượng, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo đảm lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.

Điều 7

1. Hai Bên ký kết áp dụng các biện pháp thích hợp đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới và khu (điểm) chợ biên giới mà hai Bên xác định chính thức.

2. Hai Bên ký kết nhất trí hoàn thiện cơ chế hợp tác chống buôn lậu, kịp thời trao đổi thông tin về buôn lậu, cùng triển khai hoạt động chống buôn lậu liên hợp.

3. Hai Bên ký kết nhất trí giao cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hai Bên tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Điều 8

Thanh toán trong thương mại biên giới do doanh nghiệp hoặc thương nhân thương mại biên giới và cư dân biên giới thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật mỗi nước, bao gồm:

1. Thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

2. Căn cứ theo quy định của pháp luật mỗi nước, thương mại biên giới có thể tiến hành các hình thức thanh toán thông qua ngân hàng hoặc bằng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng. Khuyến khích thanh toán thông qua ngân hàng thương mại hai Bên.

Điều 9

1. Các cá nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới khi xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và khu (điểm) chợ biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế mà hai Bên là thành viên.

2. Hai Bên ký kết căn cứ quy định của pháp luật mỗi nước và các điều ước quốc tế mà hai Bên là thành viên tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và khu (điểm) chợ biên giới.

Điều 10

Hai Bên ký kết đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hữu quan của nhau tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật mỗi nước.

Điều 11

Hai Bên ký kết đồng ý tăng cường chia sẻ thông tin về quy định pháp luật trong thương mại biên giới và an toàn chất lượng hàng hóa, kịp thời thông báo cho nhau những thay đổi về chính sách liên quan đến thương mại biên giới.

Điều 12

1. Để đảm bảo thực hiện Hiệp định này, hai Bên ký kết đồng ý tăng cường quan hệ giữa các cơ quan chức năng quản lý hai nước, chính quyền địa phương biên giới và cơ quan quản lý cửa khẩu, kịp thời thỏa thuận hoặc phối hợp giải quyết vấn đề phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh đối với người và phương tiện vận tải.

2. Hai Bên ký kết thống nhất Nhóm công tác thương mại biên giới Việt - Trung hướng dẫn và thúc đẩy triển khai Hiệp định này.

Điều 13

Hai Bên ký kết ủy quyền cho Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, căn cứ vào tình hình thực tế, ký các văn bản cụ thể thực hiện Hiệp định này. Trong trường hợp cần thiết, hai Bên ký kết sẽ ủy quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới tương ứng của mỗi Bên ký kết các thỏa thuận cụ thể có liên quan trong khuôn khổ Hiệp định này.

Điều 14

Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung bằng văn bản của hai Bên ký kết thỏa thuận nhất trí. Trong vòng sáu (06) tháng, kể từ khi nhận được đề nghị của một Bên về việc sửa đổi, bổ sung, phía Bên kia phải trả lời chính thức bằng văn bản. Các điều khoản đã được hai Bên nhất trí sửa đổi, bổ sung là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp định. Các điều khoản sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực theo quy định tại Điều 16 của Hiệp định này.

Điều 15

Mọi bất đồng phát sinh trong quá trình giải thích và thi hành Hiệp định, này sẽ được giải quyết thông qua trao đổi hữu nghị trên cơ sở bình đẳng giữa hai Bên ký kết

Điều 16

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và có hiệu lực ba (03) năm.

2. Ba (03) tháng trước khi Hiệp định này hết hiệu lực, nếu không Bên ký kết nào thông báo bằng văn bản cho Bên kia về việc kết thúc Hiệp định, thì Hiệp định sẽ tự động kéo dài thêm ba (03) năm và sẽ tiếp tục được gia hạn theo thể thức đó.

3. Trong trường hợp Hiệp định này kết thúc, các điều khoản thỏa thuận hợp tác cụ thể đã ký kết theo Hiệp định này trước khi kết thúc, sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi hoàn tất việc thực thi các điều khoản đó.

4. Hiệp định này sẽ không tác động tới quyền và nghĩa vụ của hai Bên ký kết được quy định tại các điều ước quốc tế khác có liên quan mà mỗi Bên là thành viên.

5. Kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, “Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ký ngày 19 tháng 10 năm 1998 hết hiệu lực.

Hiệp định này ký tại Bắc Kinh, ngày 12 tháng 9 năm 2016, lập thành hai (02) bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, các văn bản có giá trị như nhau.

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Trần Tuấn Anh
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA




Cao Hổ Thành
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

 

Triển khai Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Ngày 25/7/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 5294/VPCP-QHQT triển khai Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình triển khai thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến như sau:

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan và đối tác Trung Quốc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, chủ động có biện pháp phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại biên giới với Trung Quốc, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

- Bộ Ngoại giao: Chủ trì hướng dẫn địa phương thực hiện các trình tự, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mở/nâng cấp chính thức các cặp cửa khẩu đủ điều kiện theo quy định; phối hợp thúc đẩy phía Trung Quốc sớm khôi phục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cặp cửa khẩu, lối mở biên giới, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân, doanh nghiệp hai bên.

- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nông sản xuất khẩu qua biên giới nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của Bộ Công Thương tại văn bản trên (văn bản đã gửi các cơ quan) theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,730

Bài viết về

Hiệp định thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]