Tổng cục Thuế yêu cầu tiếp tục rà soát thông tin đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/08/2024 09:45 AM

Mới đây, Tổng cục Thuế đã có yêu cầu tiếp tục rà soát thông tin đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội.

Tiếp tục rà soát thông tin đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội (Hình từ internet)

Ngày 05/08/2024, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 3441/TCT-TTKT về việc tiếp tục rà soát thông tin đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội.

Công văn 3441/TCT-TTKT​

Tiếp tục rà soát thông tin đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên các nền tảng xã hội

Theo đó, ngày 10/4/2024, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 1459/TCT-TTKT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên về việc chuyển thông tin một số tổ chức, cá nhân có thu nhập thông qua hình thức bán hàng livestream trên nền tảng của Nhà cung cấp nước ngoài như Youtube, Facebook, Tiktok,... (tổ chức, cá nhân bán hàng livestream) tới các Cục Thuế để thực hiện rà soát, xác minh, xử lý theo quy định. 

Đồng thời, tại Công văn 1459/TCT-TTKT năm 2024 Tổng cục Thuế cũng đã yêu cầu toàn bộ các Cục Thuế triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường công tác quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân này. Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện của các Cục Thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế:

- Thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở Cơ quan thuế theo quy định, trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện quản lý chặt chẽ đối với các tổ chức, cá nhân này, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế. Trường hợp qua công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra phát hiện những trường hợp tổ chức, cá nhân có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật về thuế thực hiện chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp truyền thông, báo chí đối với các tổ chức, cá nhân này.

- Trường hợp nhận được đề nghị từ Cục Thuế các tỉnh thành phố địa phương khác về việc phối hợp rà soát tổ chức, cá nhân có thu nhập cao thông qua hình thức bán hàng livestream, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tích cực, nghiêm túc thực hiện công tác phối hợp.

- Tổng cục Thuế chuyển danh sách các tổ chức, cá nhân bán hàng livestream tới các Cục Thuế. 

Mức xử phạt hành vi trốn thuế khi livestream bán hàng 

Theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế như sau: 

(1) Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

- Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

- Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;

- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

(2) Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản (1) mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

(3) Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản (1) mà có một tình tiết tăng nặng.

(4) Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản (1) có hai tình tiết tăng nặng.

(5) Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản (1) có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Ngoài phạt tiền, người nộp thuế còn phải khắc phục hậu quả như sau: 

- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản (1) đến (5).

Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản (1) đến (5) đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản khoản (1) đến (5).

Lưu ý: Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, đ, e khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 959

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]