Nhằm chấn chỉnh hoạt động taxi, Bộ Giao thông đã dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó quy định chi tiết đối với xe taxi.
Theo đó, taxi phải tính cước căn cứ theo quãng đường xe lăn bánh và thời gian chờ đợi. Xe taxi phải có hộp đèn gắn cố định, hộp đèn sẽ bật sáng khi không có khách và tắt khi trên xe có khách.
Từ 1/7/2016, taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cùng với đó là phải có giấy an toàn giao thông, lái xe phải có giấy khám sức khỏe, đóng bảo hiểm theo quy định, có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe...
Hà Nội thiếu nghiêm trọng điểm đỗ taxi khiến xe phải lòng vòng đón khách. Ảnh: H Hà.
Tại cuộc họp của Hiệp hội Vận tải Hà Nội sáng 4/4, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp taxi băn khoăn với các điểm mới của dự thảo nghị định.
Hà Nội hiện có 114 hãng taxi với khoảng 17.000 xe, trong đó có đến 40% hãng có dưới 50 chiếc. Ngoài ra, còn nhiều taxi dù, taxi các tỉnh hoạt động ở thủ đô, gây ảnh hưởng quản lý đô thị.
Theo ông Trần Quốc Khải, Chủ tịch HĐQT Taxi Nội Bài, doanh nghiệp này đã lắp thiết bị in biên lai để chống lái xe gian lận và minh bạch với khách hàng. Trên biên lai có tên doanh nghiệp, lái xe thu tiền sai thì hành khách thông tin lại với doanh nghiệp để xử lý. Thiết bị GPS đã được lắp từ nhiều năm để quản lý hành trình xe.
Tuy nhiên, theo ông Khải, các thiết bị này nên khuyến khích lắp đặt chứ không bắt buộc bởi điều kiện từng doanh nghiệp taxi khác nhau trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Lãnh đạo Taxi Vạn Xuân bày tỏ, việc in biên lai cước phí là cần thiết song đó không thể coi là hóa đơn. Còn yêu cầu biên lai thể hiện điểm đi và điểm đến thì rất khó vì hệ thống định vị trên xe không cập nhật tức thì.
Ngoài ra, quy định xe taxi phải có giấy an toàn giao thông sẽ gây khó cho doanh nghiệp bởi là thêm giấy phép nữa mà không rõ cơ quan nào cấp.
"Quy định hộp đèn bật sáng khi xe không có khách là không cần thiết vào ban ngày. Ngoài ra, thiết bị in hóa đơn có thể gây khó cho doanh nghiệp khi thanh quyết toán thuế nếu cơ quan thuế dựa vào biên lai để tính thuế", ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, nhận định.
Một số ý kiến cũng bày tỏ không đồng tình với đề xuất cấp phù hiệu riêng của Sở Giao thông Hà Nội, bởi Luật doanh nghiệp không "ngăn sông cấm chợ", xe ngoại tỉnh đưa khách đi du lịch, làm ăn thì không thể ngăn chặn. Thực tế là xe ngoại tỉnh đã có thể phân biệt với xe Hà Nội bằng biển số nên không cần thiết thay đổi màu sơn, đổi phù hiệu cho taxi Hà Nội. Thay vào đó nên phạt mạnh các taxi ngoại tỉnh nếu vòng vo đón khách ở nội đô.
Hầu hết hãng taxi mong muốn có thêm nhiều bãi đỗ, điểm đỗ cho taxi tránh phải chạy lòng vòng, lãng phí nhiên liệu bởi vì dừng đỗ sẽ bị phạt.
"Nhiều người đổ cho taxi làm tắc đường là không đúng, taxi phát triển theo nhu cầu thị trường. Lái xe taxi bỏ việc vì hay bị phạt, dễ bị phạt vì đỗ sai quy định. Hành khách đi máy bay có nhiều hành lý song lái xe mang đồ vào nhà cho khách, khi quay ra thì xe bị bắt", ông Trần Quốc Khải, Chủ tịch HĐQT Taxi Nội Bài bức xúc.
Dự thảo nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được lấy ý kiến các ban ngành, doanh nghiệp, dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành giữa năm nay.
Đoàn Loan
Theo Vnexpress