Theo dự luật, các phương tiện giao thông thủy không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ trên 15 sức ngựa, phương tiện chở từ 5 người trở lên có động cơ trên 5 sức ngựa khi hoạt động phải "còn niên hạn sử dụng" bên cạnh giấy chứng nhận phương tiện, giấy chứng nhận đăng ký an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, biển số đăng ký, dấu kẻ mớn nước an toàn…
Việc quy định niên hạn sử dụng đối với các phương tiện giao thông thủy, theo Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chấp bút dự luật, là để loại bỏ các phương tiện già nua, quá tuổi. Câu chuyện chìm tàu cánh ngầm (có tuổi thọ trên 20 năm) tại TPHCM mới đây là “một bài học cảnh tỉnh” và có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân kích hoạt quy định này.
Tuy nhiên, hiện nay quy định về niên hạn sử dụng đối với các phương tiện giao thông thủy gần như chỉ có Trung Quốc và Hồng Kông (chỉ quy định niên hạn tàu cao tốc) áp dụng; phần lớn các nước khác không quy định vì việc loại bỏ phương tiện theo tuổi do quan hệ cung – cầu giữa chủ phương tiện với người sử dụng quyết định, theo một chuyên viên của Sở Giao thông vận tải TPHCM.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, nếu quy định niên hạn sử dụng thì chỉ nên quy định đối với các loại phương tiện chở khách, chở hàng nguy hiểm; phương tiện có trọng tải trên 200 tấn; và, phải có lộ trình phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của đất nước.
Được biết, dự luật lần này không chỉ bó hẹp trong phạm vi điều chỉnh hoạt động giao thông thủy nội địa (các điều kiện đảm bảo an toàn đối với kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia…) mà còn mở rộng ra - điều chỉnh cả với hoạt động giao thông trên hành lang bảo vệ luồng, sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá… không phải là đường thủy nội địa.
Dự kiến dự luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới.
Đá Bàn
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn