05 ý kiến của Phó Thủ tướng chính phủ về báo cáo triển khai đô thị thông minh bền vững năm 2023 (Hình từ Internet)
Ngày 15/8/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 5802/VPCP-CN về báo cáo hình triển khai đô thị thông minh bền vững năm 2023.
Theo nội dung trong Công văn 5802/VPCP-CN năm 2024 thì sau khi xem báo cáo hình triển khai đô thị thông minh bền vững năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến như sau:
Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện triển khai thực chất, hiệu quả “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2018, theo đúng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững theo hướng thông minh tại Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ về xây dựng và phát triển đô thị thông minh theo đúng Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết 148/NQ-CP năm 2022 thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022; trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
- Ban hành văn bản đôn đốc các cơ quan liên quan đẩy mạnh một số nội dung như đề xuất của Bộ Xây dựng tại văn bản nêu trên.
- Xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững Việt Nam gắn với chuyển đổi số; nghiên cứu, đề xuất nội dung phù hợp tại Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.
- Tổ chức Hội thảo toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Đề án dự kiến vào cuối năm 2024 và lập báo cáo tổng kết Đề án vào năm 2025.
- Nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo 2025-2035 phù hợp với bối cảnh mới.
- Đẩy mạnh việc triển khai các nội dung thí điểm đô thị thông minh: rà soát, đánh giá, lựa chọn, phê duyệt khu vực thí điểm, chương trình, kế hoạch thực hiện thí điểm. Nghiên cứu, xử lý các đề xuất của bộ, ngành về vướng mắc, khó khăn liên quan đến chủ trương sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối tổ chức gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức khi thành lập Trung tâm kết nối công dân gắn với bộ phận một cửa liên thông.
Từ đó, hoàn thành mục tiêu được quy định trong Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022 như sau:
+ Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
+ Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.
+ Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.
+ Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị.
+ Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
+ Làm rõ mô hình của Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập hay tổ chức hành chính đối với việc thành lập Trung tâm kết nối công dân để áp dụng bám sát các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy.
Xem thêm Công văn 5802/VPCP-CN ban hành ngày 15/8/2024.