Bổ sung dự án Luật BHYT sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (Hình từ Internet)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 49/2024/UBTVQH15 ngày 22/8/2024 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đó, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 89/2023/QH15 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 45/2024/UBTVQH15, Nghị quyết 48/2024/UBTVQH15 và Nghị quyết 49/2024/UBTVQH15) thì các dự án Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) của Quốc hội gồm:
- Luật Công chứng (sửa đổi);
- Luật Công đoàn (sửa đổi);
- Luật Di sản văn hóa (sửa đổi);
- Luật Địa chất và khoáng sản;
- Luật Phòng không nhân dân;
- Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn;
- Luật Tư pháp người chưa thành niên;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Quy định về lấy ý kiến đối với dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) như sau:
- Trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 60 ngày, trừ những văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Trong thời gian dự thảo đang được lấy ý kiến, nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo văn bản mà khác với dự thảo đã đăng tải trước đó thì phải đăng lại dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.
Đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến.
- Ngoài đăng tải để lấy ý kiến theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, việc lấy ý kiến có thể thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải nội dung giải trình, tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình để Nhân dân biết.
- Đối với dự án, dự thảo do đại biểu Quốc hội soạn thảo, Văn phòng Quốc hội,Viện nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến theo quy định tại Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020).