Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào tháng 5 năm 2025 (Hình từ Internet)
Ngày 21/8/2024, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1967/QĐ-BTC về việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) |
Cụ thể, tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định 1967/QĐ-BTC năm 2024 đã nêu các dự án Luật sẽ trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) mà các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tham gia lấy ý kiến đóng góp. Trong đó có dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Như vậy thì dự kiến đến tháng 5 năm 2025 thì Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua.
Trước đó, tại Nghị quyết 118/NQ-CP năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024).
(1) Quy định về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên
Tại Điều 27 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất quy định về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên như sau:
- Người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được làm việc nhưng không quá 24 giờ trong 1 tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
- Tiền lương của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được mức thấp hơn lương tối thiểu theo giờ .
- Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc bán thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên tuân theo quy định pháp luật về lao động.
- Cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc sau khi người lao động là học sinh, sinh viên đã thông báo về tình trạng việc làm.
(2) Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)
Tại khoản Điều 88 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
- Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
+ Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng;
+ Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
+ Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
- Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối với người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì người sử dụng lao động thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
- Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp tháng đó trừ trường hợp người lao động có làm việc ít nhất 01 ngày trong tháng và người sử dụng lao động, người lao động có thỏa thuận về việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tháng đó. Người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp này.
- Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ theo mức do Chính phủ quy định.
- Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào quỹ quy định tại khoản 1 Điều 88 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Xem thêm tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).