Nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
31/08/2024 20:45 PM

Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030

Nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Hình từ Internet)

Nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030

Tại Nghị quyết 139/2024/QH15 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua, để thực hiện mục tiêu tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh, tạo nhiều sinh kế hiệu quả cho người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển; quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Một số nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra bao gồm:

(1) Hoàn thiện thể chế, chính sách: Xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật, tiêu chí, quy chế xử lý những vấn đề phát sinh đối với những vùng chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; hoàn thiện các chính sách phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và kinh tế biển mới gắn với triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; ban hành hướng dẫn, quy định triển khai phân vùng sử dụng không gian biển cấp địa phương;

(2) Phát triển kinh tế biển: Xây dựng kết cấu hạ tầng biển, trong đó chú trọng những lĩnh vực trọng điểm như cảng biển và giao thông kết nối cảng biển với nội địa, thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số...; phát triển đồng bộ hệ thống đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa giữa địa phương có biển với địa phương không có biển và kết nối với các nước; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng và khai thác hải sản gắn với bảo tồn biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; phát triển bền vững kinh tế hàng hải, vận tải biển, xây dựng cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu biển, dịch vụ hàng hải, du lịch và dịch vụ biển; phát triển nhanh hệ thống đô thị ven biển, đảo để tạo ra các trung tâm dịch vụ hậu cần kinh tế mạnh, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng; nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển khai thác, sử dụng bền vững khoáng sản biển, năng lượng sạch, xanh từ biển;

(3) Phát triển văn hóa, xã hội: Xây dựng hạ tầng và các thiết chế văn hóa biển, đảo; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa biển, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của cư dân vùng biển, đảo; tổ chức tuyên truyền và nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tổ chức tốt và hiệu quả Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam;

(4) Bảo vệ môi trường biển, hải đảo: Kiểm soát, quản lý các nguồn thải và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên biển, vùng đất ven biển và các đảo; phân định các khu bảo tồn, bảo vệ biển, ven biển và hải đảo; phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái để tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ biển;

(5) Phát triển các nguồn lực: Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật; tăng cường đào tạo nhân lực biển, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các ngành hàng hải, thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch, khoa học, công nghệ biển; tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ những ngành kinh tế biển mới, nhiều tiềm năng như dược liệu biển, y học biển, hóa học biển, các vật liệu mới; đẩy mạnh thu hút, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 536

Bài viết về

Biển đảo Việt Nam

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]