Chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
05/09/2024 21:15 PM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025).

Chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Hình từ Internet)

Chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục ngày 19/8/2024.

Theo Thông báo 398/TB-VPCP ngày 27/8/2024, sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, nhất là việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chính sách cho giáo viên mầm non; đồng thời, tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”, trong đó lưu ý thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

- Chuẩn bị kỹ, đầy đủ, chu đáo các điều kiện cho năm học mới (về trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học...); tổ chức tốt Lễ khai giảng năm học mới vào ngày 05/9, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho trẻ em, học sinh, sinh viên bước vào năm học mới.

- Tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Kết luận 91-KL/TW năm 2024, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91-KL/TW, hoàn thành trong tháng 9 năm 2024.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và các quy hoạch giáo dục, đào tạo. Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

- Tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, phát triển, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

- Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện để tổ chức Kỳ thi năm 2025 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh.

- Đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và các ngành, lĩnh vực mới quan trọng khác.

- Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; có cơ chế, chính sách phù hợp đẩy mạnh mô hình đào tạo phi lợi nhuận ở bậc đại học; đồng thời tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đề ra.

- Xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên thiết thực, phù hợp, hiệu quả, nhất là giáo viên mầm non; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn và hiệu quả, giảm điểm trường lẻ; tăng trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh và gia đình nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; trong đó các Bộ, cơ quan và địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng phải bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo của học sinh, sinh viên và Nhân dân gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số cơ học, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương và bảo đảm phát triển xanh, sạch, đẹp và vệ sinh môi trường.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 408

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]