Nghiên cứu và đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/09/2024 12:30 PM

Nghiên cứu và đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số là nội dung được Chính phủ yêu cầu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024.

Nghiên cứu và đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số

Nghiên cứu và đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số (Hình từ Internet)

Ngày 08/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024.

Nghiên cứu và đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số 

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả; nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhất là áp lực trong điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, tăng trưởng, tỷ giá, các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội. 

Đặc biệt, cơn bão số 3 được dự báo diễn biến phức tạp, mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây ở Biển Đông cùng với hoàn lưu sau bão sẽ gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, sản xuất và cuộc sống của người dân. Tình hình nêu trên đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục theo dõi sát diễn biến để kịp thời chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, phát huy các động lực tăng trưởng mới để tạo bứt phá trong phát triển KTXH.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, trong đó, lạm phát phải kiểm soát dưới 4,5% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024, Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 và các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong đó, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất quy định về tiền kỹ thuật số phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và khu vực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024.

- Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tăng cường công tác giám sát, nâng cao khả năng phát hiện, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng hoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 03/8/2024, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

- Khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo 387/TB-VPCP ngày 16/8/2024 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Chính phủ trước ngày 15/9/2024, không để chậm trễ hơn nữa.

Xem thêm tại Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành ngày 08/9/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 561

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]