Văn phòng Chính phủ có Công văn 6456/VPCP-KGVX ngày 10/9/2024 gửi một số bộ ngành liên quan về xử lý điểm tin báo chí, dư luận.
Trong báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tại văn bản 513/2024/TTĐT ngày 13/8/2024, có đề cập nội dung đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%.
Cụ thể, góp ý cho dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% mức bình quân tiền lương tháng.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đề xuất đối với những người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi nghỉ hưu mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào thì được hưởng 50% số tiền đã đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 trở đi, cứ tham gia thêm đủ 12 tháng thì được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Phản hồi về nội dung trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, mức hưởng 60% mức bình quân tiền lương là mức thu nhập tối thiểu để giảm bớt khó khăn cho người lao động khi bị mất việc làm, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế hiện nay.
Do vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn bảo vệ quan điểm giữ nguyên mức trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất giữ nguyên quy định như hiện nay đối với quy định người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian đóng trên 144 tháng không được bảo lưu.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc không bảo lưu đối với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng là kế thừa quy định hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% (Hình từ internet)
Căn cứ theo Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
(1) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
(2) Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
(3) Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP, Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP, thì từ ngày 01/7/2024, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là 11.700.000 đồng/tháng.
- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là: 24.800.000 đồng/tháng (Vùng 1), 22.050.000 đồng/tháng (Vùng 2), 19.300.000 đồng/tháng (Vùng 3), 17.250.000 đồng/tháng (Vùng 4).