Hướng dẫn về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Theo Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh như sau:
+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/2016, được điều chỉnh theo mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí;
+ Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi, được điều chỉnh như quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
- Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính mức bình quân quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 của người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 như sau:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
+ Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
- Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
- Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong một số trường hợp đặc biệt.
Xem thêm tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung) hết hiệu lực kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực.