Xuất cấp hơn 37 nghìn tấn gạo hỗ trợ học sinh 40 tỉnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/09/2024 13:45 PM

Bộ Tài chính vừa có quyết định xuất cấp hơn 37 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giao cho các địa phương để hỗ trợ học sinh trong học kỳ I năm học 2024- 2025.

Xuất cấp hơn 37 nghìn tấn gạo hỗ trợ học sinh 40 tỉnh

Xuất cấp hơn 37 nghìn tấn gạo hỗ trợ học sinh 40 tỉnh (Hình từ Internet)

Xuất cấp hơn 37 nghìn tấn gạo hỗ trợ học sinh 40 tỉnh

Tại Quyết định 2112/QĐ-BTC ngày 09/9/2024, Bộ Tài chính giao Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp (không thu tiền) 37.379.521,2 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giao cho các địa phương để hỗ trợ cho 541.501 học sinh ở 40 tỉnh, thành phố trong học kỳ I năm học 2024- 2025 theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Cụ thể như sau:

Xuất cấp hơn 37 nghìn tấn gạo hỗ trợ học sinh 40 tỉnh

Xuất cấp hơn 37 nghìn tấn gạo hỗ trợ học sinh 40 tỉnh

Ghi chú: Đối với 151.500 kg gạo hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2024- 2025 cho tỉnh Lâm Đồng không bao gồm 360 kg gạo tỉnh đề nghị bổ sung cho năm học 2023-2024.

Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Căn cứ vào số lượng gạo dự trữ quốc gia tại thời điểm xuất cấp và kế hoạch tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh, giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức giao, nhận gạo tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo kế hoạch phân bổ. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp địa phương điều chỉnh đề xuất số lượng gạo tiếp nhận trong học kỳ I thấp hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, thì cấp theo số lượng gạo đề nghị của địa phương.

Trường hợp địa phương đề xuất điều chỉnh số lượng gạo tiếp nhận trong học kỳ I cao hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, thì cấp theo số lượng Bộ Tài chính đã quyết định và tổng hợp đề nghị bổ sung của địa phương, trình Bộ Tài chính xem xét xử lý theo quy định.

Tổ chức giao, nhận gạo dự trữ quốc gia bảo đảm theo đúng quy định tại Thông tư 51/2020/TT-BTC quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và văn bản hướng dẫn.

Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn 15777/BTC-TCDT ngày 4/11/2016 của Bộ Tài chính về thực hiện hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh, đảm bảo việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ đúng đối tượng, mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ của năm học, không để thất thoát, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo.

Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 116/2016/NĐ-CP thì điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn như sau:

- Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải bảo đảm một trong các điều kiện sau:

+ Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú;

+ Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Nhà ở xa trường khoảng cách từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

+ Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 116/2016/NĐ-CP.

- Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau:

+ Đang học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học;

+ Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Nhà ở xa trường khoảng cách từ 10km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.

- Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, ngoài các Điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 116/2016/NĐ-CP còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 347

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]