Toàn cảnh vụ giàn khoan TQ xâm phạm vùng biển Việt Nam

09/05/2014 14:05 PM

Tóm tắt vụ việc giàn khoan HD981 của TQ xâm phạm vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 1/5 đến nay

Ngày 1/5

Lúc 5h22’ sáng, các tàu kiểm ngư của Việt Nam phát hiện giàn khoan di động HD 981 của Trung Quốc cùng 3 tàu dịch vụ di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuống phía nam nhằm hạ đặt khoan thăm dò. Đây là sự xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc đối với quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải.

Lực lượng gồm 12 tàu kiểm ngư của Việt Nam kiên quyết ngăn cản hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng tàu các loại để bảo vệ cho giàn khoan, nhằm đạt được mục đích hạ đặt được nó trên vùng biển của Việt Nam để khoan thăm dò.

Ngày 2/5

Lúc 16h, giàn khoan HD 981 được thả trôi tại phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Để đối đầu với các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam, Trung Quốc huy động 27 tàu các loại bảo vệ giàn khoan, trong số này có cả tàu quân sự.

Các tàu Trung Quốc đều mở bạt pháo đe dọa, uy hiếp các tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ khiến tình hình hết sức căng thẳng. Với sự yểm trợ của cả máy bay, họ thường sử dụng 2 đến 3 tàu để kèm một tàu của Việt Nam nhằm ngăn cản, đâm húc và phun nước áp lực cao phá hoại. Trong số này, tàu Kiểm ngư số hiệu KN 762 bị 5 tàu Trung Quốc vây và đâm húc 4 lần vào mũi làm móp lan can mũi, vỡ cửa kính, cửa sổ mạn. Tàu KN 764 cũng bị tàu dịch vụ của Trung Quốc đâm làm hỏng mạn boong mũi, lan can lái mạn trái.

Ngày 3/5

Buổi sáng số tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc được nâng lên 37 tàu và đến 11h cùng ngày số này tăng lên tới 47 tàu. Chúng tiếp tục sử dụng lực lượng đông bao vây và đâm thẳng vào tàu Việt Nam với vận tốc lớn. Hậu quả khiến các tàu KN 765 bị đâm làm hỏng máy chính giữa, các tàu KN 762, KN 629 và KN 628 bị phun nước áp lực cao làm vỡ kính đài chỉ huy, hỏng máy lái hay bật nắp ăngten hệ thống Visat. Ngoài gây hư hại cho các tàu kiểm ngư, các tàu hải cảnh của Trung Quốc còn chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu cảnh sát biển của Việt Nam mang số hiệu CSB 4033, khiến tàu bị rách mạn phải có chiều dài 3 mét, rộng một mét, hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.

Ngày 4/5

Các tàu hải cảnh, tàu dịch vụ hạng nặng của Trung Quốc chủ động tiếp cận rú còi, chiếu đèn pha và đâm vào sau lái tàu kiểm ngư KN 628 của Việt Nam. Ngoài ra, các tàu KN 629, KN 764 và KN 762 cũng bị đâm gây ra các hư hại như vỡ kính khoang, hỏng lan can boong, móp lan can, hỏng ra đa và máy lái. Tàu Hải cảnh 44103 của Trung Quốc cũng chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu cảnh sát biển CSB 2012 của Việt Nam nhưng tàu Việt Nam tăng tốc vòng tránh nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam Hồ Xuân Sơn điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Chấn Dân để phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD 981 trên thềm lục địa của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng triệu Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Ngày 5/5

Số tàu các loại của Trung Quốc huy động bảo vệ giàn khoan HD 981 đang xâm phạm thềm lục địa Việt Nam đã nâng lên 66 chiếc các loại. Trong ngày, có 7 tàu kiểm ngư của Việt Nam bị các tàu của Trung Quốc đâm húc và phun nước áp lực cao gây ra các chư hại như móp boong, vỡ kính ở mạn và đài chỉ huy, chập điện hệ thống máy, hỏng quạt thông gió khoang máy và hệ thống radar chỉ thị mục tiêu

Ngày 6/5

Lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc tiếp tục đâm húc các tàu kiểm ngư của Việt Nam, bất chấp việc lực lượng kiểm ngư đang thực hiện đúng chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật quốc tế. Các hành động của Trung Quốc khiến một số tàu của Việt Nam bị hư hại và một số kiểm ngư viên bị thương.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan và lượng lớn tàu đến khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế.

Phó thủ tướng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD 981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi khu vực. Việt Nam khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình, đồng thời kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán.

Ngày 7/5

Số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan lên đến 80 chiếc các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm cả tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu mang tên lửa tấn công nhanh. Hàng ngày Trung Quốc còn huy động hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực và một số tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào khu vực cách đảo Lý Sơn từ 50 đến 60 hải lý.

Trong khi các tàu Trung Quốc tiếp tục gây hấn, Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế tại Hà Nội, công khai các hình ảnh vi phạm của Trung Quốc. Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho biết, tàu Trung Quốc hung hăng uy hiếp tàu Việt Nam và khiến 6 người bị thương. Các máy bay Trung Quốc trong ngày vẫn bay tầm thấp để trực tiếp uy hiếp tàu Việt Nam, trong khi các tàu hải cảnh vẫn cố đâm tàu của Việt Nam. Ông Thu đánh giá tình hình hết sức căng thẳng và tuyên bố: “Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”.

Các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển đang tiếp tục bằng mọi biện pháp đấu tranh buộc giàn khoan của Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời kiềm chế không để xảy ra xung đột, giữ môi trường hòa bình, ổn đinh trên biển

Ngày 8/5

Cảnh sát biển Việt Nam cho biết tiếp tục phát hiện tàu tuần tiễu tấn công nhanh và tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc hoạt động xung quanh giàn khoan HD 981. Chúng thường xuyên có hoạt động cản trở tàu cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, giới chức Trung Quốc bất ngờ dịu giọng và kêu gọi đàm phán.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình (ảnh bên) chối bỏ việc có các vụ đụng độ trên Biển Đông do họ gây ra với tàu Việt Nam. Ông này tìm cách làm giảm nhẹ sự việc khi cho rằng “không có xung đột nào xảy ra” kể từ khi giàn khoan HD 981 được hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam và những biến cố vừa qua chỉ mang tính cục bộ. Thứ trưởng này nói thêm rằng mọi bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giải quyết qua “đàm phán hòa bình”.

Cùng ngày, Vụ phó Vụ Biên giới và Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương đã đặt điều kiện đàm phán với Việt Nam, khi ngang ngược đưa ra yêu cầu đòi Việt Nam phải rút các tàu trong khu vực đặt giàn khoan HD 981, bất chấp thực tế đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam theo luật quốc tế

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 36,530

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]