TANDTC chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu (Hình từ Internet)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn 320/TANDTC-KHTC ngày 20/9/2024 đề nghị Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo đơn vị mình và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung để đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu cụ thể như sau:
(1) Tiếp tục tổ chức triển khai nghiên cứu, thực hiện các văn bản hướng dẫn và quy định mới trong hoạt động đấu thầu của Chính phủ và Bộ Kế hoạch – Đầu tư theo Công văn 68/TADNTC-KHTC ngày 27/3/2024 của Tòa án nhân dân tối cao.
(2) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP, Nghị định 24/2024/NĐ-CP; đăng tải đầy đủ thông tin đúng trách nhiệm và thời hạn theo quy định của pháp luật về đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tối ưu hóa việc lựa chọn nhà thầu.
(3) Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; gói thầu quy mô lớn, phức tạp; các gói thầu đấu thầu không qua mạng; các gói thầu áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng có hiệu quả thấp. Cơ quan thanh tra phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan, không để việc thanh tra làm ảnh hưởng, gián đoạn, đình trệ hoạt động đấu thầu, mua sắm.
(4) Thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động để xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng trách nhiệm, gửi đến Tòa án nhân tối cao (thông qua Cục Kế hoạch Tài chính) để tổng hợp, theo dõi.
(5) Giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình (như xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách.
(6) Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác đấu thầu trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu, Nghị định 23/2024/NĐ-CP, Nghị định 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư có liên quan; chủ động bố trí nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu để nâng cao nghiệp vụ về đấu thầu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.